Các công dụng của cây gạc nai

Các công dụng của cây gạc nai

Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Các công dụng của cây gạc nai cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.

Cây gạc nai hay có tên gọi khác là rau cần trôi, một loại cây dại chủ yếu được sử dụng để làm thức ăn cho gia súc, khi cần thiết có thể sử dụng để ăn như một loại rau. Người dân thường sử dụng các lá non của cây gạc nai để ăn tương tự các loại rau xanh. Vậy theo Y Học Cổ Truyền, cây gạc nai có tác dụng gì và trị bệnh như thế nào?

1. Đặc điểm cây gạc nai

Cây gạc nai còn có những tên gọi khác như cần trôi, ráng gạc nai hay quyết gạc nai…, tên khoa học là Ceratopteris thalictroides (L.) Brongn, thuộc họ gạc nai (Ceratopteridaceae).

Công dụng của cây gạc nai bao gồm lợi tiểu, điều kinh, trị một số bệnh ngoài da (sử dụng cả cây).

Đặc điểm của cây gạc nai:

  • Thuộc loài Dương xỉ thân rễ, mọc thẳng đứng;
  • Lá mọc thành túm, phần cuống lá dày, mọng nước, trần và xốp. Phiến lá không sinh sản hay dựng đứng, phiến lá chỉ hơi khía ở cây còn non, phiến xẻ lông chim hai lần rất sâu ở cây đã trưởng thành, nhìn trông giống lá rau cần. Các thùy lá dài ngắn không đều nhau, rất hẹp và có đầu nhọn. Lá chét bậc nhất mọc so le, có cuống lá dày, các đoạn cuối cùng hình thuôn, dạng giống như ngọn giáo, gân lá có hình mạng, các lá mọc thành túm. Phiến lá mang bộ phận sinh sản (phiến sinh sản) ở mặt dưới thì hẹp hơn, có các đoạn co lại, hình dải, có gân dọc, mép lá cong lại và phân nhánh như sừng con nai;
  • Túi bào tử của cây gạc nai có hình cầu, không có cuống. Khi soi bào tử có hình bốn cạnh, màu vàng nhạt. Mùa sinh sản của cây gạc nai là vào khoảng tháng 6 – 8.

Chi Ceratopteris Brongn có tổng cộng 8 loài, sống dưới nước và phân bố chủ yếu ở những vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, hiện nay chỉ ghi nhận có 1 loài là cây gạc nai. Bên cạnh đó, cây gạc nai còn phổ biến ở một số quốc gia khác như Thái Lan, Ấn Độ, miền Nam Trung Quốc.

Riêng tại Việt Nam, cây gạc nai phân bố chủ yếu ở vùng núi hoặc trung du với độ cao dưới 1000m, như vùng núi Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), Ba Vì, Hà Tây (Chùa Hương), Hòa Bình (Lương Sơn, Kỳ Sơn, Tân Lạc, Mai Châu), Phú Thọ (Thanh Sơn), Cao Bằng (Quảng Hòa, Hòa An, Thạch An)… Cây gạc nai có đặc điểm hay mọc thành đám ở những vùng đất ngập nước như bờ suối, ruộng nước gần chân núi, các vũng lầy trong thung lũng hoặc những nơi có bóng râm. Cây gạc nai là loài có khả năng đẻ thêm nhánh ở gốc, đặc biệt ở nơi có nhiều bùn chúng sẽ sinh trưởng mạnh mẽ, có khi tạo thành khóm lớn cao gần 1m. Cây gạc nai có thể tái sinh tự nhiên thông qua bộ phận bào tử.

công dụng của cây gạc nai
Công dụng của cây gạc nai được nhiều người quan tâm

2. Cây gạc nai có tác dụng gì?

Để tận dụng những công dụng của cây gạc nai, người dân thường sử dụng toàn bộ cây ở dạng tươi hoặc phơi khô.

Một số vùng người dân còn trồng cây gạc nai với mục đích làm cây cảnh để trang trí các bể thủy sinh hoặc hồ nuôi cá.

Thành phần hóa học của cây gạc nai, bao gồm:

  • Caroten (2.6 mg%);
  • Vitamin C (7,5 mg%);
  • Các hợp chất Antherozoid;
  • Anthropogen.

Theo Y Học Cổ Truyền, cây gạc nai có vị ngọt đắng, tính hàn. Công dụng của cây gạc nai bao gồm hoạt huyết, chỉ lỵ, giải độc.

Cây gạc nai hay cần trôi trước đây chủ yếu được dùng làm thức ăn cho gia súc. Đối với người, một số trường hợp cần thiết người dân có thể thu hái lá gạc nai non ăn sống tương tự các loại rau hoặc đem đi chế biến như xào, luộc hoặc nấu canh.

3. Cây gạc nai trị bệnh gì?

Theo y học dân gian, cây gạc nai thường được dùng trong các bài thuốc giải độc, chữa rắn cắn hay trị bệnh hen suyễn. Liều dùng mỗi ngày là khoảng 15 – 30g, đa số điều chế bằng cách sắc nước uống hoặc đôi khi dùng ngoài, đắp tại vị trí da bị tổn thương.

Theo y học Trung Quốc, cây gạc nai có thể mang lại hiệu quả cao trong chữa chứng đờm tích, ho hen, ly, lâm trọc (chứng đái ra nước tiểu đục) hoặc dùng ngoài da để chữa trị các vết thương chảy máu. Còn ở Malaysia và Ấn Độ, cây gạc nai được ứng dụng trong các bài thuốc chữa bệnh lý ngoài da.

công dụng của cây gạc nai
Trị bệnh hen suyễn là công dụng của cây gạc nai

4. Bài thuốc từ cây gạc nai

4.1. Chữa rắn độc cắn

Cách 1: Cây gạc nai 30g, dây thần thông 30g (lấy hết lá). Lấy 2 dược liệu này giã nát, chiết lấy phần nước uống còn phần bã đắp lên vị trí rắn cắn.

Cách 2: Sử dụng cây gạc nai, rau đắng biển, dây mơ lông, lá mướp đắng mỗi vị 30g; đọt non cây sậy và rau má mỗi thứ 20g. Đem tất cả nguyên liệu dạng tươi đi giã nát để lấy phần nước uống còn phần bã dùng đắp ngoài da.

4.2. Bài thuốc chữa hen suyễn

Nguyên liệu: Cây gạc nai, rễ tầm sét, hoa cúc vạn thọ, nhân trần, thài lài tía, rễ bạch đồng nữ, tinh tre mỡ mỗi vị lấy số lượng bằng nhau (từ 20 – 30g). Đem tất cả đi sắc với khoảng 400ml cho đến khi còn 100ml thì ngưng. Lấy phần nước chứa cây gạc nai chia làm 2 lần uống trong ngày. Bài thuốc này là theo kinh nghiệm của nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tóm lại, theo Y Học Cổ Truyền, rau cần trôi vị ngọt đắng, tính hàn, có tác dụng hoạt huyết, chỉ lỵ, giải độc nên được dùng làm thuốc giải độc, chữa rắn cắn, hen suyễn. Liều dùng là từ 15 – 30g, sắc lấy nước uống hoặc dùng đắp tại chỗ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.