Cây mộc qua có tác dụng gì?

Cây mộc qua có tác dụng gì?

Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây mộc qua có tác dụng gì? cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.

Trong Y Học Cổ Truyền, mộc qua là vị thuốc có tính ôn, quy vào kinh phế, can, tỳ vị giúp khu phong trừ thấp, thư can hòa vị, thư cân hoạt lạc tiêu… Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho các bạn công dụng của cây mộc qua.

1. Mộc qua là cây gì?”

Cây mộc qua thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae) và có tên khoa học là Chaenomeles lagenaria (Lois.) Koidz. Loại thực vật này có những đặc điểm như sau:

  • Mộc qua thuộc loại cây nhỡ có chiều cao khoảng từ 2 – 3m; thân cây phân cành dài có gai (chiều dài gai khoảng 5 – 20mm, đường kính phía gốc từ 1 – 3mm); trên mặt cành có những bì không rõ.
  • Lá cây có cuống dài khoảng 3 – 15mm; phiến lá có hình mác dài từ 2,5 – 14cm và rộng khoảng 1,5 – 4cm. Mép lá có răng cưa, mặt trên màu xanh và mặt dưới màu tím nhạt. Cả 2 mặt đều nhẵn.
  • Hoa cây mọc thành chùm ở kẽ lá; cánh hoa màu đỏ như hoa đào, cũng có loại hoa màu hồng hoặc trắng. Hoa có cuống nhưng rất ngắn.
  • Quả cây hình cầu hoặc trứng, chiều dài khoảng 8cm; mặt ngoài của quả nhẵn bóng có màu vàng, mùi thơm nhẹ. Mùa ra hoa của cây vào tháng 3 – 4, mùa quả vào tháng 9 – 10.

Quả cây là bộ phận được sử dụng trong nhiều bài thuốc điều trị bệnh. Dược liệu sau khi thu hái về, được bổ làm 2 hoặc 4 mảnh. Sau đó đem phơi, mặt trong quả ngửa lên phía trên cho đến khi chuyển thành màu hồng tím, tiếp tục phơi đến khi dược liệu khô hoàn toàn. Dược liệu khi khô có màu nâu đỏ đến tím đỏ ở mặt ngoài, xuất hiện những nếp nhăn trong quá trình khô, mặt trong quả còn rõ những ô chứa hạt, mùi thơm và vị chua chát.

Nghiên cứu từ các nhà khoa học cho thấy, quả cây mộc qua chứa 38% đường glucose; 22,1% đường fructose; 30,5% sorbitol; 1,9% axit glutamic; 82% malic; 10,6% axit citric và 1,3% axit phosphoric.

cây mộc qua
Quả cây mộc qua là một loại dược liệu được dùng trong nhiều bài thuốc

2. Mộc qua có tác dụng gì?

Tác dụng của mộc qua trong điều trị bệnh đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu khoa học.

2.1. Tác dụng theo Y Học Hiện Đại

Nhiều nghiên cứu khoa học đã được thực hiện và cho thấy công dụng của vị thuốc mộc qua trong điều trị bệnh như sau:

  • Tác dụng chống oxy hóa: Chiết xuất từ Mộc qua có tác dụng chống oxy hóa mạnh. Các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy hoạt chất quercetin trong quả Mộc qua có khả năng loại bỏ oxit nitơ và các gốc tự do. Bên cạnh đó, hàm lượng hoạt chất flavonoid trong Mộc qua giúp chống lại quá trình oxy hóa mạnh hơn so với vitamin C;
  • Tác dụng giảm đau, kháng viêm: Hợp chất este và polysaccharide chiết xuất từ Mộc qua có tác dụng giảm đau, kháng viêm mạnh, điều hòa miễn dịch và giảm chứng khó tiêu;
  • Tác dụng chống xơ vữa động mạch: Khả năng chống oxy mạnh và giảm nồng độ cholesterol máu giúp cho vị thuốc Mộc qua có công dụng phòng ngừa xơ vữa động mạch;
  • Tác dụng điều hòa miễn dịch, chống ung thư: Các nghiên cứu khoa học thực hiện trên chuột cho kết quả hoạt chất polysaccharide trong Mộc qua có tác dụng điều hòa miễn dịch, ức chế quá trình tăng sinh tế bào ung thư. Ngoài ra, hợp chất axit trong vị thuốc có tác dụng ức chế sự hoạt động của tế bào ung thư cũng như tăng cường đáp ứng miễn dịch;
  • Tác dụng trị tiêu chảy: Hợp chất axit hữu cơ như ursolic, oleanolic, axit betulinic… trong cây Mộc qua hỗ trợ điều trị tiêu chảy nhờ tác dụng giảm đau, kháng khuẩn mạnh;
  • Tác dụng trị đái tháo đường: Hoạt chất flavonoid, polysaccharide trong dược liệu Mộc qua được chứng minh là có liên quan đến công dụng ức chế α – Glucosidase, từ đó giúp hạ đường huyết;
  • Tác dụng chống virus: Hợp chất axit oleanolic trong Mộc qua được chứng minh là có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus viêm gan B. Bên cạnh đó, chiết xuất từ quả Mộc quả chứa hợp chất chống oxy hóa có tác dụng chữa cúm gia cầm. vị thuốc mộc quachống xơ vữa động mạch: trị đái tháo đường:

2.2. Tác dụng theo Y Học Cổ Truyền

Trong Y Học Cổ Truyền, dược liệu Mộc qua có công dụng giảm ho, chữa phù nề, điều hòa hoạt động sinh lí của cơ thể, trị ho lâu ngày và chân tay đau nhức. Vì vậy, dược liệu này được dùng chữa các bệnh lý gân mạch co quắp, tê thấp, phù thũng, lưng gối đau mỏi, kiết lỵ và tiêu chảy. Vị thuốc có thể được dùng ở dạng nước sắc, ngâm rượu hoặc chế thành viên, bột.

Ngoài ra, Mộc qua thường được phối hợp với các vị thuốc khác trong điều trị bệnh như sau:

  • Phối hợp cùng ngũ gia bì giúp trị chân sưng phù và đi lại khó khăn;
  • Phối hợp cùng tỳ giải, hoàng bá giúp trị vọp bẻ, tê thấp;
  • Phối hợp cùng uy linh tiên, đương quy để trị chân tay tê bại, chữa đau khớp;
  • Phối hợp cùng ngô thù du, hoắc hương để trị tiêu chảy, nôn ói;
  • Phối hợp cũng anh túc xác, sa tiền tử chữa ho lâu ngày không khỏi, kiết lỵ có lẫn máu và nhầy nhớt;
  • Phối hợp cũng bán hạ, trần bị trị ho nhiều đờm và tức ngực.
cây mộc qua
Quả cây mộc qua sau khi được sơ chế có thể dùng trong các bài thuốc cổ truyền

3. Mộc qua trong các bài thuốc chữa bệnh

  • Bài thuốc trị hoắc loạn chuyển gân

Chế biến bài thuốc như sau: Dùng 30g Mộc qua đem sắc với 1 lít nước (hoặc rượu) dùng uống mỗi ngày. Ngoài ra, nấu Mộc qua lấy nước đem ngâm chân giúp trị hoắc loạn chuyển gân.

  • Bài thuốc trị thận hư hàn, khí công lên sườn và bụng, bụng chứng đầy, đau

Chế biến bài thuốc như sau: Dùng 30 quả Mộc qua đem bóc bỏ vỏ và hạt; 480g bột Thanh diên và 480g Cam cúc hoa. Hỗn hợp dược liệu được nấu thành cao đặc, thêm 480g Ngải nhung và trộn, làm thành viên có kích thước bằng hạt ngô đồng. Mỗi ngày uống 2 lần, dùng 30 viên mỗi lần uống.

  • Bài thuốc trị gân có rút, gáy cứng không thể cử động được

Chế biến bài thuốc như sau: Dùng 2 quả Mộc qua đã được bỏ hột, 60g Mộc dược,7.5g Nhũ hương. Hỗn hợp bột Mộc dược và Nhũ hương được trộn đều và cho vào quả Mộc qua, buộc chặt, đem hấp trong nồi cơm khoảng 3 – 4 lần sau đó nghiền nát thành cao. Mỗi lần người bệnh dùng 9g cao sắc với 100ml nước sinh địa và 400ml rượu, dùng uống khi còn nóng.

  • Bài thuốc trị đau nhức, thấp khớp, phù nề và ho lâu ngày

Chế biến bài thuốc như sau: Dùng 120g Mộc qua, 40g Xuyên khung, 40g Xương hổ chế, 40g Đương quy, 40g Ngưu tất, 40g Hồng hoa, 40g Tục đoạn, 40g Bạch gia can, 40g Ngọc trúc, 20g Phòng phong, 15g Tang chi và 20g Tần giao. Tất cả các vị thuốc đều được tán thành bột khô, thêm vào 15 lít rượu trắng và đậy kín, mỗi ngày khuấy 1 lần. Sau thời gian 7 ngày thì mỗi tuần khuấy 1 lần, sau 1 tháng lọc lấy rượu, bã đem ép lấy rượu còn sót lại; thêm 1,3kg đường phèn hòa vào nước rồi trộn với rượu thuốc. Để lắng dung dịch rồi lọc lại một lần nữa. Dùng rượu thuốc uống 2 lần mỗi ngày, mỗi lần dùng từ 20 – 40g.

  • Bài thuốc chữa đờm ngược tức ngực, phù nề

Chế biến bài thuốc như sau: Dùng 30g mỗi vị thuốc gồm Trần bì, Mộc qua, Nhân sâm; 60g Tân lang; 15g mỗi vị thuốc gồm Quế tâm, Đinh hương. Tất cả các dược liệu được nghiền thành bột, bào chế thành viên có kích thước bằng hạt đậu xanh, mỗi lần dùng khoảng 30 viên uống cùng nước sắc gừng sống.

  • Bài thuốc trị tiêu chảy, nôn ói

Sử dụng 10g Hồi hương, 20g Mộc qua và 10g Gừng khô. Đem sắc hỗn hợp dược liệu với nước và uống mỗi ngày đến khi triệu chứng được cải thiện.

  • Bài thuốc trị kiết lỵ nhầy máu

Dùng một lượng bằng nhau các dược liệu gồm Mộc qua, Anh túc xác và Sa tiền tử. Hỗn hợp dược liệu được nghiền thành bột, mỗi lần dùng 6g uống với nước cháo trắng.

4. Lưu ý khi sử dụng Mộc qua

Theo Y Học Cổ Truyền, ăn nhiều mộc qua gây tác động xấu đến răng, bí tiểu; người bệnh có trường vị tích trệ không nên dùng. Bên cạnh đó, người bị thương thực mà Tỳ vị chưa hư, tích tụ nhiều không nên dùng vị thuốc này.

Như vậy, cây mộc qua là dược liệu có nhiều công dụng đối với sức khỏe, cũng như các vị thuốc khác, dược liệu này có thể gây ra những tác dụng phụ nhất định. Vì vậy, để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.