Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Dấu hiệu nhận biết và nguyên nhân của trầm cảm sau sinh cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Bài viết bởi Bác sĩ Trần Bích Ngọc – Bác sĩ Y Học Cổ Truyền – Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec – Sao Phương Đông.
Trầm cảm sau sinh là triệu chứng trầm cảm kéo dài hơn 2 tuần sau khi sinh và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Có rất nhiều triệu triệu chứng để để nhận biết tình trạng này, chủ yếu dựa vào hai yếu tố chính: thể chất và tinh thần.
1. Trầm cảm sau sinh là gì?
Bệnh trầm cảm sau sinh là tình trạng người phụ nữ bị rối loạn cảm xúc, hay có suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi, buồn chán và lo lắng về nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Theo Y Học Cổ Truyền, “Thần” phản ánh tình trạng sinh lý sức khỏe và hoạt động tâm lý của con người, là chủ của các hoạt động sống, hoạt động cảm xúc, tinh thần của con người. Nếu “Thần” bị ảnh hưởng thì sẽ gây bệnh đến cơ thể và ngược lại.
Bệnh lý này có thể ở mức nhẹ (kéo dài 1-2 tuần), vừa hoặc nặng (kéo dài > 2 tuần,). Bệnh có thể tự khỏi hoặc thậm chí ảnh hưởng vào các hoạt động sinh hoạt hàng ngày với những hành động tiêu cực cho bản thân, không thể tự hết nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
2. Dấu hiệu trầm cảm sau sinh
Một số dấu hiệu trầm cảm sau sinh gồm:
- Tâm trạng bất ổn: Buồn không có lý do, vô vọng, trống rỗng, cảm giác mọi việc quá tải; luôn lo sợ, buồn phiền thậm chí cáu kỉnh, giận dữ, hay khóc hơn bình thường cho dù không có lý do.
- Giảm tương tác với những người xung quanh: Ngại tiếp xúc với người khác, xa lánh người thân, bạn bè, thậm chí không muốn gần gũi với con.
- Không quan tâm đến bản thân: Không còn các sở thích như ngày xưa. Thường xuyên có cảm giác chán trường, mất hứng thú hay không vui vẻ trong các hoạt động và sở thích thông thường.
- Suy nhược cơ thể: Thường xuyên nhức đầu, đau dạ dày, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn hoặc ăn quá nhiều, cân nặng tăng hoặc giảm không chủ định, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều gây ra khó khăn khi tập trung.
- Cảm giác bị ám ảnh: Không tin tưởng vào khả năng có thể che chở, bảo vệ và nuôi dưỡng cho con. Xuất hiện các ý nghĩ làm hại bản thân và con thậm chí có suy nghĩ tự tử, một số người bị rối loạn tâm thần và luôn có cảm giác bị hại nên luôn tìm cách để trả thù hay đối phó với mọi người muốn đến gần mình.
Nếu không được điều trị, trầm cảm sau sinh có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc lâu hơn và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
3. Nguyên nhân dẫn tới trầm cảm sau sinh?
Bệnh trầm cảm sau sinh ở mỗi người sẽ do những nguyên nhân khác nhau, Triệu chứng này là sự kết hợp nhiều yếu tố, từ tinh thần, thể chất, tâm lý gây nên.
3.1. Theo Y Học Hiện Đại
- Thay đổi nội tiết tố đột ngột: Sau sinh, nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể giảm mạnh đột ngột kéo theo trạng thái trầm cảm. Điều này tương tự như việc căng thẳng và thay đổi tâm trạng do nồng độ hormone thay đổi nhẹ trước mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, hormones tuyến giáp cũng giảm nhanh chóng nên gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm.
- Yếu tố cảm xúc: Mang thai không theo kế hoạch hay cả khi mang thai đúng theo kế hoạch, một số mẹ bầu vẫn cần một khoảng thời gian để thích nghi với việc sẽ có em bé. Ngoài ra, khi bé có vấn đề về sức khỏe, các khó khăn trong việc chăm sóc em bé dẫn đến những cảm xúc tiêu cực làm ảnh hưởng đến sự tự tin và sẽ gây áp lực lên người mẹ.
- Tiền sử: Phụ nữ có tiền sử trầm cảm trước hoặc trong khi mang thai hay kết quả xấu của sản khoa trước đây hoặc hiện tại (ví dụ, đã bị sảy thai, trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh) cũng có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh cao.
- Sức khỏe giảm sút: Phụ nữ sau khi sinh có sức khỏe yếu hơn bình thường. Những đau đớn về cơ thể gây ảnh hưởng đến tâm trạng của phụ nữ. Cơn đau kéo dài có khi phải mất hàng tuần để sức khỏe và năng lượng có thể hồi phục trở lại. Ở những sản phụ sinh con theo phương pháp mổ, thời gian hồi phục có thể còn dài hơn.
- Yếu tố đời sống: Thiếu sự quan tâm chia sẻ của người thân nhất là bạn đời, mâu thuẫn gia đình, bạn bè hàng xóm, các vấn đề tài chính, hoàn cảnh sống chật chội hoặc đông đúc và còn là sự thiếu kinh nghiệm trong quá trình chăm con… làm gia tăng cảm xúc tiêu cực từ người phụ nữ.
3.2. Theo Y Học Cổ Truyền
Theo Y Học Cổ Truyền, trầm cảm sau sinh quy vào 3 thể bệnh:
- Can khí uất kết: Trước kỳ kinh đầu tiên cảm thấy trầm uất, tinh thần hồi hộp, thấp thỏm, dễ nổi nóng, thậm chí nóng giận tới mức không kiểm soát được hành vi của mình; Sau kỳ kinh triệu chứng đỡ hơn. Máu kinh lượng nhiều, màu đỏ, kỳ kinh thường đến sớm, tức ngực, không có cảm giác muốn ăn, mất ngủ khó ngủ, rêu lưỡi mỏng nhớt, mạch trầm tế.
- Đàm hỏa thượng nhiễu: Kỳ kinh đầu tiên bồn chồn khó chịu, đau đầu mất ngủ. Bình thường lượng khí hư ra nhiều, màu vàng chất đặc, mặt đỏ mắt đỏ, tức ngực, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dày hoặc nhớt, mạch huyền hoạt sác.
- Tâm thần thất dưỡng: Thường xuyên cảm giác mệt mỏi, tim đập nhanh, buồn ngủ nhưng khó ngủ, kinh thường đến muộn, màu máu nhạt, lượng ít. Sau kỳ kinh triệu chứng u uất gia tăng, không muốn dậy hoặc làm bất cứ hoạt động gì. Lưỡi màu hồng nhạt, có vết răng hai bên, rêu lưỡi mỏng. Mạch tế trầm.
Đừng để những mệt mỏi sau sinh kéo dài và biến thành chứng trầm cảm sau sinh. Do đó hãy dành sự quan tâm đặc biệt đến phụ nữ sau sinh để hạn chế nguy cơ trầm cảm và những hậu quả không đáng có.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: acog.org
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.