Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Vị thuốc khương hoạt có tác dụng gì? cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Thân rễ cây khương hoạt là một loại thảo mộc lâu năm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các bộ phận của nó từ lâu đã được sử dụng trong Đông y do chứa nhiều đặc tính làm thuốc, đặc biệt trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Khương hoạt dược liệu vẫn tiếp tục được nghiên cứu kỹ lưỡng cho đến ngày nay.
1. Cây khương hoạt là gì?
Vị thuốc khương hoạt còn gọi là Tây khương hoạt, Xuyên khương hoạt, Hồ Vương Sứ Giả, Khương Thanh. Tên khoa học của cây khương hoạt là Notopterygium incisium, thuộc họ Hoa Tán (Apiaceae).
Cây khương hoạt là loại cây sống lâu năm, cây tỏa ra mùi thơm đặc biệt. Khi trưởng thành, cây cao khoảng 0,6- 1,5 mét, không phân nhánh, thân phía dưới hơi có màu tím. Thân rễ to hình trụ, chia thành đốt, có mùi thơm, mọc thành cụm có màu nâu.
Lá mọc so le, phiến lá chia thùy, mép có răng cưa, mặt trên lá màu tím nhạt trong khi đó mặt dưới có màu xanh nhạt. Hoa khương hoạt nhỏ, có màu trắng, mọc thành từng cụm. Thời kỳ ra hoa từ tháng 7 đến tháng 9 và đậu quả từ tháng 8 đến tháng 10. Quả hình thoi dẹp màu nâu đen
Cây khương hoạt sống ở các bìa rừng, bụi rậm, đồng cỏ, những đoạn dốc cao, mọc hoang rất nhiều ở các tỉnh thuộc Trung Quốc như: Cam Túc, Thanh Hải, Thiểm Tây, Tứ Xuyên… Mặc dù di thực vào nước ta từ sớm nhưng cây chưa được phát triển nhiều. Cây khương hoạt phát triển ở phạm vi 1600 đến 5000 mét trên mực nước biển.
Dược liệu khương hoạt chính là phần thân rễ và củ rễ của cây khương hoạt. Hàng năm vào mùa xuân hoặc mùa thu, người dân thu hoạch cây, đào lấy thân rễ rồi cắt đi phần rễ con, làm sạch đất cát, bụi bẩn rồi sấy hoặc phơi khô.
Thân rễ hình trụ, cong queo, giống hình con tằm chiều dài từ 4cm đến 13cm, đường kính thân rễ 0,6cm đến 2,5cm, phần đỉnh rễ có vết sẹo cắt từ gốc cây. Bề ngoài thân rễ có màu nâu hoặc nâu đen, phần thịt phía trong màu vàng. Rễ củ cây khương hoạt chia thành các đốt, bề mặt củ có các sẹo sau khi cắt rễ con, dạng vảy hoặc màu nâu trầm. Chất nhẹ, xốp, dễ bẻ gẫy, bề mặt vết bẻ có nhiều vết nứt, không phẳng, có văn hoa, rỗng. Dược liệu có mùi thơm đặc biệt, vị hơi đắng, tê cay đầu lưỡi.
2. Thành phần hóa học của vị thuốc khương hoạt
Trong một nghiên cứu về cả rễ và thân rễ, người ta thấy rằng chúng có tổng cộng 24 hợp chất khác nhau. Các thành phần hóa học chính của rễ và thân rễ của cây khương hoạt là coumarin: notopterol và isoimperaton; tinh dầu và phenol, axit amin, axit hữu cơ, sesquiterpenes, một số hợp chất polyacetylene như Falcarindiol; glycoside, alkaloids…
- Notopterol có tác dụng làm giảm đau, chống viêm và chống oxy hóa, có tác dụng chống tăng sinh (chống tăng trưởng tế bào) và chết tế bào đối với một số tế bào ung thư.
- Falcarindiol kích hoạt thụ thể PPARgamma, và kích thích các enzym chống oxy hóa hoạt động.
- Phenethyl ferluate, hợp chất của phenol, là chất ức chế men cyclooxygenase.
3. Vị thuốc khương hoạt có tác dụng gì
3.1. Tác dụng của khương hoạt theo Đông y
Theo Y Học Cổ Truyền dược liệu này được biết là có tính ôn, vị đắng, cay, và có mùi thơm . Vị thuốc khương hoạt có tính ấm và tác dụng lên các kinh can, thận và bàng quang.
Công dụng của khương hoạt dược liệu là tán hàn giải biểu, khu phong, trừ thấp, giảm đau, dẫn khí đi vào kinh Thái dương và mạch Đốc, thông kinh hoạt lạc ở chi trên và lưng.
Công dụng của nó như một loại thuốc chống thấp khớp và giảm đau trong điều trị viêm khớp dạng thấp, nhức đầu và cảm lạnh, sốt không ra mồ hôi được, đau cổ, buồn ngủ, đau đầu vùng chẩm. Một số tác dụng khác bao gồm thanh nhiệt, tán hàn, bồi bổ khí huyết và sử dụng nó như một loại thuốc tẩy giun.
3.2. Tác dụng của khương hoạt theo Y Học Hiện Đại
- Tác dụng độc tế bào
Các hợp chất khác nhau được phân lập từ khương hoạt cho thấy mức độ khác nhau trong việc chống lại sự phát triển và tăng sinh của tế bào ung thư như chiết xuất methanolic.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy một số chất được phân lập từ khương hoạt có tính độc tế bào mạnh mẽ trong việc chống lại dòng tế bào hắc tố B16 ở chuột. Trong đó, nổi bật nhất là tác dụng của furanocoumarins bao gồm bergamottin, isoimperatorin, notopterol; pregnenolone; falcarindiol cùng với một phenylpropanoid (axit caffeic metyl este) đã được xác định.
- Tác dụng giảm đau, hạ sốt
Thí nghiệm sử dụng phương pháp gây quặn đau bằng axit axetic trên chuột, chiết xuất metanolic với liều 3g kg-1 đã ức chế và giảm số lần đau với tỷ lệ ức chế 87% sau. khương hoạt cũng cho thấy có tác dụng hạ sốt rõ rệt khi thí nghiệm gây sốt trên chuột nhắt.
- Tác dụng chống rối loạn nhịp tim
khương hoạt đã được nghiên cứu trên mô tim chuột, sau khi gây loạn nhịp tim với aconitine, chiết xuất của nó có tác dụng rút ngắn thời gian rối loạn nhịp tim.
- Tác dụng chống viêm
Các chiết xuất n-hexane như falcarindiol là hợp chất chính và các hợp chất khác như notopterol và phenethyl ferrated có tác dụng chống viêm thông qua hoạt động ức chế chống lại enzyme 5-lipooxygenase (5-LOX) và cyclooxygenase (COX).
- Tác dụng kháng khuẩn, kháng virus
Một thí nghiệm được thực hiện trên những con chuột bị nhiễm vi rút cúm A/FM/1/47. Người ta quan sát thấy rằng khi sử dụng khương hoạt tuổi thọ của chuột được kéo dài đồng thời giảm tỷ lệ tử vong cho chuột.
Thí nghiệm khác cho thấy các chủng: Bacillus dysenterae, B.typhi, B. pyocyaneus và B. enteritidis bị ức chế khi sử dụng tinh dầu khương hoạt với nồng độ 0,002g/ml trở lên.
4. Một số bài thuốc có khương hoạt dược liệu
Liều lượng là ngày dùng 4 – 10g dưới dạng thuốc sắc.
- Điều trị đau lưng, đau vai gáy: khương hoạt, Độc hoạt mỗi vị 3g; Mạn kinh tử 0,9g; Cao bản, Xuyên khung, Phòng phong, Cam thảo mỗi vị 1,5g; sắc với nước 500ml. Sắc còn 250ml, uống nóng trước mỗi bữa ăn.
- Điều trị cảm sốt, đau đầu không ra mồ hôi, cột sống cứng, khó cử động; mạch phù, gấp: khương hoạt 6g; Cam thảo, Tế tân mỗi vị 1g; Phòng phong, Xuyên khung mỗi vị 4,5g; Thương truật, Bạch chỉ, Hoàng cầm, Sinh địa mỗi vị 3g. Xay tất cả thành bột. Sắc nước uống.
- Chữa trúng phong: khương hoạt 6g; Trúc lịch, Phòng phong, Táo nhân, Thiên ma mỗi vị 10g; Nhục quế, Cam thảo, Phụ tử chế mỗi vị 3g; nước gừng, bột sừng Linh dương mỗi vị 5g. Sắc nước uống.
- Trị đau đầu do hàn: khương hoạt, Thăng ma, Cam thảo, Ma hoàng, Thương truật, Phòng phong mỗi vị 6g; Bạch chỉ, Phụ tử chế 4g. Cho 3 bát nước sắc đến khi cô đặc còn 1 bát rồi chắt ra. Sau đó cho 2 bát nước vào bã thuốc, tiếp tục sắc còn 1 bát rồi chắt nước ra. Cuối cùng đổ 1 bát nước sắc rồi chắt nước ra bát. Lấy 3 bát nước thu được hòa chung với nhau; chia làm 3, ngày uống 3 lần.
5. Một số lưu ý khi sử dụng vị thuốc khương hoạt
- Không sử dụng đối với người huyết hư không có phong hàn thực tà.
- Độc tính: nếu sử dụng khương hoạt quá liều gây chóng mặt, buồn nôn.
- khương hoạt có tác dụng gần giống với Độc hoạt trong điều trị phong thấp. Tuy nhiên Độc hoạt tác dụng tốt với phong hàn thấp tà ở phần dưới cơ thể còn khương hoạt tác dụng ở phần dưới, nên có thể kết hợp cả 2 dược liệu trong chữa trị.
Vị thuốc khương hoạt có rất nhiều công dụng hữu ích, được sử dụng trong các bài thuốc Đông y để điều trị phong thấp dạng thấp, cảm phong hàn, đau nhức toàn thân từ lâu. Tuy nhiên bạn đọc nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn để có hiệu quả tốt nhất và tránh các tác dụng không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.