Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Công dụng của rau cần ta (cần nước) cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Rau cần ta còn được gọi là rau cần nước, hương cần, hồ cần… loại rau dễ trồng và được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh với công dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, hạ sốt, kháng viêm, hạ huyết áp… Cùng tìm hiểu về công dụng của cây rau cần ta qua bài viết dưới đây.
1. Đặc điểm cây rau cần ta
Cây rau cần ta còn được gọi là rau cần nước, hồ cần, hương cần, có tên khoa học Oenanthe javanica (Blume) – thuộc họ Hoa tán (Apiaceae). Loại cây này có những đặc điểm như sau:
- Rau cần ta thuộc loại cây thảo nhẵn, sống dai;
- Thây cây dài và thường mọc ngập trong bùn, thân bén rễ ở những mấu sau đó đứng thẳng, rỗng và có nhiều đốt, khía đọc;
- Lá rau cần ta chia thùy kiểu lông chim 1 – 2 lần và mọc so le nhau. Lá hình trái xoang, hình thoi hoặc hình mác, gốc lá tròn, đầu lá nhọn và răng không đều ở mép khía. Lá cây có bẹ rộng, ôm khít vào thân cây; Cuống lá có chiều dài từ 3 – 8cm, lá mọc gần ngọn thường không có cuống;
- Hoa cây mọc thành cụm, mọc đối với lá thành tán kép. Trong đó mỗi tán đơn có 10 – 20 hoa màu trắng. Tràng hoa mang cánh gập xuống. Mùa ra hoa của cây khoảng từ tháng 4 – 6;
- Rau cần nước là loại cây chịu bóng, ưa sáng và ưa nước. Vì vậy cây thường được trồng tại nơi ngập nước có nhiều bùn, lớp bùn càng màu mỡ và dày đặc thì cây càng phát triển và sinh trưởng tốt. Điều kiện nhiệt độ ẩm mát là kiểu khí hậu yêu thích của rau cần nước, do vậy cây thường được trồng vào đầu đông. Vào mùa hè, cây sinh trưởng chậm lại, nhưng các nhánh con và gốc cây vẫn tồn tại.
2. Tác dụng dược lý của cây rau cần ta
Tất cả các bộ phận của cây rau cần đều được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, có thể dùng ở dạng tươi hoặc sấy khô. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, rau cần ta chứa các thành phần hóa học sau đây:
- Các hoạt chất trong rau cần ta bao gồm isorhamnetin, glucosid, quercitrin, α – tocopherol, axit chlorogenic, axit gallic, hyperin…;
- Các chất dinh dưỡng và chất khoáng trong loại cây này bao gồm protein, carbohydrat, chất khoáng vi lượng, magie, canxi, kali, natri;
- Rễ và thân cây cần ta chứa hoạt chất falcarinol;
- Quả cây chứa khoảng 1.5% tinh dầu, chủ yếu là myristicin và phenlandren.
Với những thành phần hóa học có lợi với sức khỏe như trên thì cây rau cần ta có những tác dụng dược lý như sau:
- Tác dụng chống viêm gan: Nghiên cứu cho thấy hoạt chất trong cây rau cần có công dụng ức chế sự nhân lên của virus viêm gan B. Vì vậy, loại thực vật này có nhiều tiềm năng trong điều trị viêm gan siêu vi B. Ngoài ra, các dẫn chất phenol trong rau cần ta có vai trò bảo vệ gan khỏi tổn thương trong các bệnh lý xơ gan, tổn thương gan cấp, gan nhiễm mỡ không do rượu khi nghiên cứu trên chuột;
- Tác dụng hạ đường huyết: Công dụng hạ đường huyết của rau cần ta được chứng minh là do vai trò giải phóng insulin từ tế bào β đảo tụy langerhans;
- Tác dụng chống ung thư: Nghiên cứu từ các nhà khoa học cho thấy các loại rau màu xanh giàu chất diệp lục, vitamin E, vitamin C có vai trò giảm nguy cơ mắc các bệnh lý ung thư. Trong đó rau cần ta chứa hoạt chống chống độc, chống oxy hóa và ức chế kích hoạt tác nhân gây ung thư;
- Tác dụng kháng viêm: Hoạt chất isorhamnetin trong cây cần nước có vai trò ức chế giải phóng chất gây viêm;
- Tác dụng tăng cường hệ miễn dịch: Hợp chất Flavonoid chiết xuất từ rau cần nước có công dụng hỗ trợ miễn dịch tế bào, miễn dịch không đặc hiệu và miễn dịch dịch thể trên chuột thí nghiệm bị suy giảm miễn dịch gây ra bởi hydrocortisone. Công dụng hỗ trợ miễn dịch của rau cần ta được chứng minh là thông qua cơ chế thúc đẩy sự tăng sinh tế bào lympho T;
- Tác dụng đối với hoạt động tự nhiên: Chiết xuất cao khô rau cần nước bằng cồn 50o có công dụng ức chế các hoạt động vận động tự nhiên ở chuột nhắt trắng;
- Tác dụng chống viêm, giảm ho: Hoạt chất p – pinen trong cây cần ta có công dụng long đờm, giảm ho, kháng nấm và kháng viêm. Ngoài ra, hoạt chất myrcen còn có công dụng giảm ho đàm;
- Độc tính cấp: Chiết xuất cao khô của toàn cây rau cần ta gây độc tính cấp với liều chết trung bình khoảng LD50 = 375mg/kg. Hoạt chất diethylphtalat trong rau cần ta có công dụng diệt côn trùng và diệt muỗi, dùng đường uống ở thỏ thí nghiệm có liều chết trung bình LD50 = 1,0g/kg.
Trong Y Học Cổ Truyền, rau cần ta có tính mát, vị ngọt hơi cay và có những công dụng sau:
- Dược liệu rau cần ta có tác dụng lương huyết, thanh nhiệt, tiêu thũng, lợi tiểu tiện, chỉ thống, chỉ huyết;
- Quả cây có công dụng chống buồn nôn, chống đầy chướng bụng;
- Rau cần ta được sử dụng trong cảm lạnh cao huyết áp, chữa sốt, đái khó, viêm nhiễm đường tiết niệu, bạch đới, rong kinh;
- Rau cần tươi dùng giã nát và đắp ngoài có công dụng chữa rắn cắn, tổn thương do té ngã, áp xe, bọ cạp đốt.
3. Cây rau cần nước trong các bài thuốc chữa bệnh
3.1. Bài thuốc chữa tăng huyết áp
Một số bài thuốc chữa tăng huyết áp từ cây rau cần ta như sau:
- Bài thuốc 1: Dùng 200g rau cần nước tươi, 25g tiểu kế, 15g mã dâu linh sắc với 500ml nước đến khi còn một nửa thể tích thì ngưng. Lọc lấy nước thuốc và bỏ bã, tiếp tục cô nước thuốc đến khi còn 100ml thì ngưng. Chia nước thuốc làm 3 lần uống trong ngày, mỗi lần uống 10ml.
- Bài thuốc 2: Dùng rau cần ta tươi rửa sạch, đem luộc trong nước sôi từ 1 – 2 phút, vớt ra và cắt thành đoạn, trộn với dầu vừng, gia vị và giấm làm thức ăn. Nước luộc rau dùng ngâm chân trong khoảng 15 – 20 phút.
- Bài thuốc 3: Dùng 500g rau cần tươi luộc chín trong một thể tích nước phù hợp. Lấy nước thuốc thêm một lượng đường phù hợp, dùng uống thay trà trong ngày.
- Bài thuốc 4: Dùng 250g rau cần tươi, rửa sạch và ép nước uống mỗi ngày.
3.2. Bài thuốc chữa tăng cholesterol máu
Một số bài thuốc chữa tăng cholesterol máu từ cây cần ta như sau:
- Bài thuốc 1: Dùng một lượng vừa đủ cây rau cần ta tươi đã được loại bỏ rễ, rửa sạch và đun sôi với một thể tích nước vừa phải, ép lấy nước thuốc, thêm một thìa nhỏ mật ong hoặc mật mía và chia làm 3 lần uống trong ngày, mỗi lần uống khoảng 40ml.
- Bài thuốc 2: Dùng khoảng 10 cây rau cần ra, đem rửa sạch và giã nát, sắc trong nước với khoảng 10 quả đại táo. Nước thuốc thu được chia làm 2 lần uống trong ngày.
- Bài thuốc 3: Dùng 120g toàn bộ cây rau cần ta tươi, đem cắt nhỏ và nấu với gạo tẻ thành cháo. Dùng ăn thường xuyên giúp ổn định nồng độ cholesterol máu.
3.3. Bài thuốc trị đái tháo đường
Dùng 500g rau cần ta tươi, rửa sạch với nước, vò nát và ép lấy nước uống. Chia nước thuốc thành 2 lần uống trong ngày. Hoặc có thể dùng nước sôi chần qua rau cần tươi, trộn với gia vị thành món ăn thường xuyên.
3.4. Bài thuốc trị mất ngủ
Dùng 9g toan táo nhân và 90g rễ rau cần sắc trong một thể tích nước phù hợp. Nước thuốc thu được chia thành nhiều lần uống trong ngày.
3.5. Bài thuốc trị đau đầu
Dùng 1 lượng vừa đủ rễ cây cần ta, rửa sạch với nước và vò nát, đem tráng với trứng gà thành món ăn thường xuyên.
3.6. Bài thuốc trị viêm phế quản
Dùng 9g vỏ quýt, 100g rễ rau cần và 30g đường. Dùng đường cho vào nồi thắng, sau đó thêm các vị thuốc còn lại vào sao hơi cháy, dùng hỗn hợp dược liệu đã qua sơ chế sắc với nước và uống trong ngày.
3.7. Bài thuốc trị ho lâu ngày
Dùng 500g toàn cây rau cần nước, đem rửa sạch và ép lấy nước, thêm một lượng muối phù hợp và hấp cách thủy, chia làm 2 lần uống trong ngày. Trong đó, mỗi lần uống khoảng 1 chén nhỏ, dùng bài thuốc liên tục trong vài ngày.
3.8. Bài thuốc trị tiểu tiện ra máu, viêm gan mạn tính
Dùng 200g rau cần nước tươi, đem vò nát và ép lấy nước, thêm 50ml mật ong. Chia bài thuốc làm 2 lần uống trong ngày, sử dụng liên tục trong nhiều ngày.
Như vậy, rau cần ta là loại thực vật quen thuộc chứa nhiều vitamin, chất khoáng và nhiều công dụng điều trị bệnh như giảm đau, hạ sốt, tiểu khó, tiểu máu… Tuy nhiên cũng giống như các loại cây thuốc khác, dược liệu này có thể gây ra những tác dụng phụ nhất định. Vì vậy, để đảm bảo độ an toàn và hiệu quả trong điều trị, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.