Tác dụng của mai rùa với sức khỏe

Tác dụng của mai rùa với sức khỏe

Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Tác dụng của mai rùa với sức khỏe cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.

Mai rùa hay Quy bản là một loại dược liệu bào chế từ yếm của rùa nhiều công dụng cho sức khỏe. Vậy thành phần hóa học, cách sử dụng và một số bài thuốc từ Mai rùa là gì?

1. Mai rùa là gì?

Mai rùa là một bộ phận trên lưng của con rùa, được sử dụng nhưng một loại dược liệu quý trong đông y. Người xưa coi rùa là một loài vật linh thiêng, mai rùa thường được lưu giữ để làm vật xem bói.

Rùa là động vật thường sống dưới nước, tùy từng chủng loại chúng có thể sống ở vùng nước ngọt, nước lợ hay nước mặn. Tuổi thọ trung bình của rùa rất cao, có thể sống đến 100 tuổi, thức ăn của chúng là sâu bọ hay cá con, chúng có thể nhịn ăn rất lâu mà không bị chết.

Rùa có 4 chân và 1 đuôi ngắn; Để bảo vệ phần thân và đầu, rùa có phần lưng ở phía trên và phần mai (yếm) ở phía dưới cứng chắc. Khi bị đe dọa rùa sẽ rụt phần đầu, chân và đuôi vào giữa lưng và mai.

Mai rùa là phần yếm của rùa, có tên dược liệu là Quy bản hay Quy giáp – tên khoa học Clemmys chinensis Tortoise, thuộc họ Rùa (danh pháp khoa học: Testudinidae). Dược liệu từ yếm rùa có nhiều loại, bao gồm:

  • Sơn quy: Mai của rùa sống ở vùng núi, Yếm nhỏ bằng lòng bàn tay, mỏng, màu vàng đậm và ở giữa có chữ vương (Hán tự). Đây là loại yếm quý nhất, nhiều hoạt chất nhất, còn được gọi là Kim tiền quy hoặc Kim quy.
  • Thủy quy: Mai rùa sống dưới nước, thường có yếm hoa, (loại yếm dày không dùng làm thuốc). Mai rùa làm cao thì phải chọn mai mỏng còn màng bọc bên ngoài.
  • Huyết bản: Sau khi bắt rùa, giết bóc lấy yếm, loại bỏ phần thịt còn sót lại, phơi khô dùng làm dược liệu. Huyết bản bóng láng, không bóc lớp màng ngoài, có thể còn vết máu.
  • Thông bản: Sau khi bắt rùa, luộc qua rồi bóc lấy yếm, cạo sạch thịt còn sót lại đem phơi khô làm dược liệu. Thông bản màu thẫm hơn, không bóng, có vết da bị lóc, mặt trong màu trắng tro hoặc màu vàng nhạt.

Bào chế Mai rùa

Thu bắt dược liệu tốt nhất từ tháng 8 – 12 sau đó lấy yếm rùa làm sạch và phơi khô. Có thể bào chế mai rùa theo những cách sau đây:

  • Nấu cao đặc: Ngâm mai rùa vào nước lạnh trong nhiều giờ để làm mềm thịt và gân còn dính lại. Sau đó cạo rửa cho sạch bùn đất, phơi khô, đập nhỏ và đun với nước trong 3 ngày 3 đêm để nấu thành cao. Đem lọc bỏ bã, nước lọc ra và đổ vào khuôn. Khi nguội, nước đông lại và cắt thành từng miếng nhỏ, để dùng dần. Cao đặc bảo quản bằng cách gói trong giấy bóng kính, bỏ vào thùng kín, dưới có lót vôi sống để hút ẩm.
  • Nấu cao lỏng: Thực hiện như trên nhưng chỉ cô đặc đến độ sệt còn róc ra được đóng vào chai, lọ sạch để tiện dùng. Loại cao này có thể để 3 năm không hỏng, có mùi tanh. Cao lỏng đóng vào chai lọ sạch, đậy kín.
  • Làm thuốc phiến: Đem ngâm mai rùa với nước, mỗi ngày thay nước 1 lần liên tục trong 30 ngày. Khi gân thịt rã còn sót lại đã rã hết, đem rửa sạch với nước và phơi khô. Sau đó nướng tồn tính, lúc dược liệu đang nóng đem nhúng vào giấm, hơ qua và đập cho dập vụn.

Mai rùa có chất gì? Thành phần hóa học trong Mai rùa?

  • Trong Mai rùa chứa nhiều muối Canxi, chất béo và các chất keo. Khi thủy phân sẽ tạo ra các hoạt chất: tryptophan, arginin, histidin, lysine, acid glutamic, tyrosine, alanine, glycoside, xystin,…

2. Tác dụng của mai rùa

Trong y học cổ truyền vị thuốc Quy bản có vị mặn, ngọt; tính hàn; quy kinh Tỳ, Vị, Can, Thận. Công dụng: Bổ Tâm Thận, dưỡng huyết, dưỡng âm, mạnh gân xương. Chủ trị các chứng đau nhức, nóng trong xương, suy nhược cơ thể, di tinh, khí hư, băng huyết ở phụ nữ.

Theo y hoc hiện đại, tác dụng củamai rùa là:

  • An thần, giải nhiệt, bổ máu.
  • Điều chỉnh hiệu suất tổng hợp ADN của cơ thể.
  • Giảm độ dính của huyết tương ở bệnh nhân cường giáp, tăng ngưỡng đau cho cơ thể.

Mai rùa có ăn được không? Cách dùng và liều dùng của Mai rùa

  • Mai rùa như một chiếc áo giáp bảo vệ cho cơ thể rửa, rất cứng chắc, chỉ dùng làm dược liệu chứ không ăn được.
  • Vị thuốc Quy bản từ mai rùa có thể dùng riêng lẻ hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
  • Ở dạng thuốc phiến: Quy bản dùng với liều 12 – 24g/ ngày, sắc nước uống hoặc bào chế thành dạng viên hay thuốc bột. Nếu ở dạng sắc thì sắc Quy bản trước sau đó mới cho các vị thuốc khác vào sắc sau.
  • Ở dạng cao: Quy bản dùng với liều 10 – 15g/ ngày chia làm 3 lần uống.

3. Một số bài thuốc từ mai rùa

Bài thuốcđiều trị sốt rét:

  • Mai rùa đốt lên nghiền nát thành bột, mỗi lần dùng 1 muỗng canh hòa với rượu mà uống để cắt cơn sốt.
  • Hoặc: Hùng hoàng (tán nhỏ) 50g, Quy bản (sao vàng, giòn, tán nhỏ) 200g, Hà thủ ô (tán bột) 200g. Tất cả đem trộn với mật ong làm viên hoàn, uống 5-10g/ ngày, chia làm 2-3 lần uống.

Bài thuốc điều trị mụn độc sưng tấy:

  • Mai rùa đem nướng lên nghiền nát thành bột, mỗi lần dùng 12g hòa với rượu rồi bôi lên chỗ bị mụn.

Bài thuốc trị âm hư huyết nhiệt, rong kinh và kinh nguyệt kéo dài:

  • Mai rùa 40g, Bạch thược 40g, Hoàng cầm 40g, Hương phụ chế 10g, Hoàng bá 12g.
  • Đem các vị tán thành bột, làm thành viên hoàn. Uống 10 – 15g/ lần, ngày uống 3 lần.

Bài thuốc trị viêm thận mãn tính thể âm hư:

  • Quy bản phối hợp với A giao và bài thuốc lục vị (Đảng sâm, Hoài sơn, Phục linh, Trạch tả, Sơn thù, Thục địa).
  • Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 2-3 lần uống.

Bài thuốc trị lao nhiệt, mồ hôi trộm, cốt chưng (nóng trong xương) và sốt về chiều:

  • Quy bản 24g, Thục địa 24g, Tri mẫu 16g, Hoàng bá 16g, tán thành bột mịn, sau đó thêm mật và tủy xương heo làm thành viên hoàn. Mỗi lần uống 8 – 12g, uống 2 lần/ ngày.

Bài thuốc trị ho lâu ngày:

  • Quy bản 100g (sao cát cho giòn, tán nhỏ), Đảng sâm 100g (sao vàng, tán nhỏ). Trộn đều sau đó uống 1-2g/ lần, mỗi ngày uống 3 lần.

Bài thuốc trị suy nhược thần kinh:

  • Quy bản, Đương quy, Bạch thược và Sài hồ mỗi thứ 12g, Gừng tươi 3 lát, Bạch linh 10g, Bạch truật 10g, Cam thảo 4g, Bạc hà 8g. Đem sắc lấy nước uống ngày 1 thang, chia làm 2-3 lần uống.

Bài thuốc trị di tinh, mộng tinh:

  • Cao Quy bản 10g, Thục địa 16g, Hoài sơn 12g, Phá cố chỉ 8g (sao với rượu), Thỏ ty tử 8g (sao), Rau má 8g, vỏ rễ cây Đơn đỏ 6g, Khiếm thực 6g (sao). Các dược liệu phơi khô tán nhỏ, trộn với mật ong để làm viên hoàn. Mỗi ngày uống 20g, chia làm 2 lần uống.

4. Một số lưu ý khi dùng dược liệu Quy bản

  • Vị thuốc có tính hàn, do đó những người tỳ vị hư hàn, âm hư nhưng không có nhiệt không nên dùng Quy bản.
  • Phụ nữ có thai dùng thuốc phải có sự chỉ định của bác sĩ.
  • Không dùng có loại yếm rùa to và dày để làm thuốc.
  • Rùa là một loại động vật có thời gian sinh sản muộn, khả năng sinh sản ít do đó việc khai thác và sử dụng nguồn dược liệu từ mai rùa này quá mức sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, chức năng và sự đa dạng sinh học của loài rùa.

Như vậy, mai rùa là một loại dược liệu thuộc nhóm khoáng vật quý, có nhiều công dụng tốt cho cơ thể. Để chiết xuất hết thành phần hoạt chất trong vị thuốc Quy bản cần tuân thủ đúng các bước bào chế và sử dụng dược liệu. Chỉ nên dùng Quy bản để điều trị bệnh khi có chỉ định của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.