Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Điều trị hội chứng ống cổ tay bằng Y Học Cổ Truyền cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Bài viết bởi Bác sĩ Bùi Xuân Lực – Bác sĩ Y Học Cổ Truyền – Trung Tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec – Sao Phương Đông
Hội chứng ống cổ tay là bệnh lý ảnh hưởng lớn đến lao động và chất lượng cuộc sống, thậm chí là mất chức năng bàn tay. Việc phát hiện sớm cũng như điều trị kịp thời vốn rất quan trọng đối với người bệnh. Vậy hiện nay việc điều trị hội chứng ống cổ tay bằng đông y được thực hiện như thế nào?
1. Nguyên nhân của hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay thường là kết quả của nhiều yếu tố nguy cơ cụ thể của bệnh nhân, nghề nghiệp, xã hội và môi trường.
Các nguyên nhân phổ biến nhất gồm: Chấn thương (gãy cổ tay, trật khớp…) các bệnh lý cơ xương khớp điển hình là viêm khớp dạng thấp, gout.. gây thay đổi cấu trúc cổ tay hay do tính chất công việc phải hoạt động cổ tay quá nhiều, đặc biệt là việc lặp đi lặp lại 1 động tác ở cổ tay
Theo Y Học Cổ Truyền, nguyên nhân chính là do bất nội ngoại nhân (lao động vận động theo thói quen lặp đi lặp lại nhiều lần) kết hợp ngoại tà (Phong, hàn, thấp, nhiệt) xâm nhập mà gây bệnh. Khi mà hoạt động chức năng kinh lạc bình thường, khí huyết vận hành thông suốt không ngừng trong cơ thể, trong thì nuôi dưỡng tạng phủ, ngoài thì nuôi dưỡng bì phu cơ nhục chức năng tạng phủ cường thịnh mà chống lại được yếu tố ngoại tà xâm nhập.
Do ăn uống, làm việc không điều độ, sinh hoạt nam nữ quá sức hoặc do huyết dịch không đầy đủ (phụ nữ sau sinh, hoặc người mắc bệnh lâu ngày không được điều trị…) làm thể trạng suy giảm, vệ biểu hư yếu, khí huyết hư suy không nuôi dưỡng được, kinh lạc mất đi chức năng bình thường, khí huyết vận hành không thông, kinh lạc tắc trệ. Ngoại tà thừa cơ lúc vệ biểu suy yếu mà xâm nhập vào kinh lạc gây chứng đau, tê mỏi như kiến bò nặng hơn thì gây liệt yếu tay chân. Bệnh lâu ngày dẫn đến co rút gân cơ bàn tay, teo cơ, biến dạng các khớp, giảm khả năng vận động của bàn tay.
2. Triệu chứng của hội chứng ống cổ tay
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng xuất hiện từ từ, không rõ ràng dễ bị bỏ qua. Khi diễn biến nặng hơn thì xuất hiện các triệu chứng điển hình sau:
- Tê, ngứa ran, đau ngón cái và 3 ngón đầu tiên của bàn tay
- Đau và rát lên cánh tay
- Đau cổ tay vào ban đêm cản trở giấc ngủ
- Yếu các cơ của bàn tay
Ở mức độ nặng, chèn ép thần kinh dài không được xử lý dẫn đến đau tê thường xuyên ngay cả khi không hoạt động, có thể cảm thấy bàn tay yếu đi, hoạt động bàn tay trở nên khó khăn.
3. Điều trị hội chứng ống cổ tay bằng các phương pháp Y Học Cổ Truyền
Quan điểm của Y Học Cổ Truyền, để điều trị hội chứng ống cổ tay, trước mắt phải năng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng của cơ thể để chống lại yếu tố ngoại tà (Phong, hàn, thấp, nhiệt) xâm nhập, cũng như để tăng cường lưu thông khí huyết, khôi phục lại chức năng kinh lạc, giúp thông kinh hoạt lạc, khí huyết vận hành thông suốt ở vùng ống cổ tay tới các đầu ngón tay để phòng ngừa tránh các hiện tượng dây thần kinh giữa bị chèn ép.
Điều trị kết hợp các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc giúp đạt hiệu quả cao trong điều trị.
Dựa vào các nguyên nhân gây bệnh, Hội chứng ống cổ tay có thể chia làm 2 thể bệnh chính: Khí trệ huyết ứ và Khí huyết lưỡng hư.
3.1 Khí trệ huyết ứ
Triệu chứng: Do lao động vất vả mà gây ra hư tổn, nhẹ thì bàn tay tê bì, nặng thì tê lên cả cánh tay, đêm tê nhiều hơn.Chất lưỡi ám hồng có điểm ứ huyết, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm sác.
Pháp điều trị: Hoạt huyết hóa ứ, thông kinh hoạt lạc
Phương thuốc: Tứ vật đào hồng
- Đương quy: 8g
- Xuyên khung: 8g
- Sinh địa: 12g
- Xích thược: 12g
- Đào nhân: 12g
- Hồng hoa: 6g
Cách dùng: Sắc uống ngày 01 thang, chia 2-3 lần
Châm cứu điều trị hội chứng ống cổ tay:Dương khê, nội quan, hợp cốc, lao cung, khúc trì, thủ tam lý, huyết hải
3.2 Khí huyết lưỡng hư
Triệu chứng: Phần da tại khu vực cục bộ trắng bợt, phát lạnh, tê bì các ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, bàn tay hoạt động kém, teo cơ mô cái, hoạt động ngón cái giảm rõ. Chất lưỡi nhạt, rêu trắng mỏng, mạch tế sác
Pháp điều trị: Ích bổ khí huyết, thư cân tán kết
Phương thuốc: Bát chân thang
- Thục địa: 12g
- Xuyên khung: 8g
- Bạch thược: 12g
- Bạch truật: 12g
- Đương quy: 12g
- Cam thảo 6g
- Bạch linh: 8g
- Đăng sâm: 12g
Cách dùng: Sắc uống ngày 01 thang, chia 2-3 lần
Châm cứu điều trị hội chứng ống cổ tay: Dương khê, nội quan, hợp cốc, lao cung, khúc trì, thủ tam lý, đại lăng, thần môn
Phương pháp xoa bóp bấm huyệt vùng cổ tay giúp tăng cường lưu thông khí huyết, giãn cơ giảm căng thẳng vùng bàn tay. Phương pháp này vô cùng hiệu quả trong việc giảm đau, giảm tê bì và hiện tượng sưng viêm.
4. Hướng dẫn xoa bóp bấm huyệt điều trị hội chứng ống cổ tay
- Bước 1: Xoa ấm 2 bàn tay, và vê từng ngón tay
- Bước 2: Day ấn huyệt Bát tà, mỗi huyệt ấn giữ 1 phút. Đây là huyệt nằm ở kẽ ngón tay, vị trí tiếp giáp phần mu và da gan bàn tay, ngang với khe ngón tay và khớp xương tay
- Bước 3: Day ấn huyệt Hợp cốc với lực vừa phải tầm 1 phút. Huyệt là điểm gồ cao nhất khi khép ngón trỏ và ngón cái
- Bước 4: Day ấn huyệt Dương trì tầm 1 phút. Huyệt nằm trên khớp cổ tay, mặt mu bàn tay, thằng theo chiều ngón nhẫn, gần mắt cá tay
- Bước 5: Day ấn huyệt khúc trì tầm 1 phút. Huyệt này nằm ở đầu nếp gấp khuỷu tay khi gập tay vào
Lưu ý: Thực hiện cho cả 2 bên. Mỗi bên 2-3 lần để đạt hiệu quả cao.
5. Hội chứng ống cổ tay có nguy hiểm không?
Tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không điều trị kịp thời có thể gây những biến chứng nặng nề do tổn thương thần kinh và mạch máu. Do đó, người bệnh không nên chủ quan và cần được thăm khám và điều trị kịp thời.
Trên đây là những kiến thức cơ bản cũng như cách điều trị hội chứng ống cổ tay bằng Y Học Cổ Truyền. Mong rằng những thông tin này hữu ích đối với bạn đọc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.