Công dụng cây hồi đầu thảo

Công dụng cây hồi đầu thảo

Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Công dụng cây hồi đầu thảo cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.

Tác dụng cây hồi đầu thảo được đề cập đến trong nhiều tài liệu, sách Y Học Cổ Truyền Việt Nam là điều hòa kinh nguyệt ở phụ nữ, tăng cường tiêu hóa và hỗ trợ điều trị các vấn đề về dạ dày, tá tràng. Ngoài ra, cây hồi đầu thảo cũng giúp chữa suy nhược thần kinh, đau nhức toàn thân, …

1. Đặc điểm chung của cây hồi đầu thảo

Cây hồi đầu thảo hay còn có các tên gọi khác là thủy điền thất, cỏ vùi đầu hoặc vùi sầu, vạn bốc. Tên gọi theo dân tộc Tày là mần tảo lấy, còn theo dân tộc Thái là bơ bĩa mến. Tên khoa học là Tacca plantaginea (Hance) Drenth, thuộc họ râu hùm (Taccaceae).

Hồi đầu thảo là một loại thực vật thân thảo, có chiều cao trung bình từ 20 – 30cm, với các đặc điểm rễ, lá, hoa, quả như sau:

  • Rễ: Rễ mọc cong lên, phình thành củ, có hình giống quả trứng hoặc tròn, không có thân. Lúc đầu, ruột của phần củ có màu vàng và mùi hăng giống nghệ, sau đó khô lại thì chuyển sang màu be nhạt, không còn mùi hăng và lại có mùi thơm giống như cây tam thất, vì vậy rất dễ bị nhầm lẫn với cây tam thất.
  • Lá: Có hình giống trái xoan, mọc thẳng từ rễ và có khoảng 6 – 10 lá. Lá dài khoảng 20cm, rộng 7 – 10cm. Phần mép lá của cây hồi đầu thảo có hình gợn sóng, mép men theo phần cuống và xòe ra thành bẹ ở phần gốc, còn phần đầu thì thuôn dài thành mũi nhọn. Cuống lá dài từ 5 – 7cm, mặt trên của lá có màu xanh bóng còn mặt dưới có màu xanh nhạt.
  • Hoa: Mọc thành từng cụm ở kẽ lá.
  • Quả: Quả của cây hồi đầu thảo là dạng quả nang, hình thoi, nang mở không đều ở đỉnh, có hạt nhỏ. Quả có màu nâu, thân quả có nếp nhăn chiều dọc.

Về phân bố, cây hồi đầu thảo thường mọc hoang ở vùng núi thuộc các nước châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Ở nước ta, hồi đầu thảo mọc nhiều ở vùng núi các tỉnh phía Bắc, những nơi ven suối, không khí ẩm và mát.

Mùa xuân hoặc thu là thời điểm tốt nhất để trồng cây hồi đầu thảo. Nếu trồng vào mùa xuân thì đến mùa hè hoặc mùa thu là có thể thu hoạch được. Sau khi thu hoạch, phần thân và rễ được mang đi cắt bỏ những rễ con và lá, rửa sạch rồi sấy hoặc phơi khô để dùng dần. Phần củ thường được ủ đến khi mềm rồi cắt lát mỏng tẩm với gừng, sao vàng rồi mới sử dụng.

cây hồi đầu thảo
Cây hồi đầu thảo với đặc điểm có hoa mọc thành từng cụm ở kẽ lá

2. Tác dụng cây hồi đầu thảo

Hồi đầu thảo có vị đắng, the nhẹ và tính bình. Về thành phần hóa học, các nhà khoa học tìm thấy hoạt chất saponin steroid có trong rễ cây, sau khi mang thủy phân thì thu được chất diosgenin và có hàm lượng trung bình khoảng 1,12 – 1,14%.

Cây hồi đầu thảo có những tác dụng sau:

  • Tăng cường tiêu hóa, chữa các bệnh về đường ruột như viêm dạ dày, viêm ruột non, nhuận tràng, tiêu chảy.
  • Điều hòa kinh nguyệt, bổ huyết, làm tan máu ứ
  • Chữa suy nhược thần kinh
  • Chữa đau thần kinh tọa, thấp khớp, đau nhức toàn thân
  • Chữa vàng da do viêm gan
  • Chữa huyết áp cao

Liều dùng cây hồi đầu thảo:

  • Dạng viên, bột: 2 – 4g
  • Dạng khô: 6 – 12g sắc nước uống
tác dụng cây hồi đầu thảo
Tác dụng cây hồi đầu thảo được ứng dụng trong Y Học Cổ Truyền giúp trị bệnh

3. Các bài thuốc của cây hồi đầu thảo

Với những công dụng trên, hồi đầu thảo là thành phần của nhiều bài thuốc quý dùng để chữa bệnh, bao gồm:

  • Chữa ít kinh, huyết xấu, đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều ở phụ nữ: Tán bột 10g hồi đầu thảo để pha với nước ấm uống mỗi ngày, dùng trong vòng 10 ngày liên tiếp sau khi hành kinh 2 tuần. Nếu bị tắc kinh nguyệt thì dùng 20g bột hồi đầu thảo pha với rượu và uống 2 lần/ngày.
  • Chữa các bệnh về tiêu hóa như viêm dạ dày, tá tràng, ăn không tiêu, đau tức bụng: Tán bột 6 – 10g hồi đầu thảo để pha với nước ấm uống mỗi ngày, lưu ý không dùng rượu và giấm trong giai đoạn này. Uống 3 lần trong ngày và sau mỗi bữa ăn khoảng 15 phút.
  • Chữa cao huyết áp ở phụ nữ: Sắc lấy nước uống các loại dược liệu gồm 20g hồi đầu thảo, 18g hương phụ tử. Uống 3 lần/ngày.
  • Chữa suy nhược thần kinh: Rửa sạch phần củ, sau đó ngâm nước đến khi mềm thì cắt lát mỏng, cho vào 1 lít nước nấu cùng, đến khi còn 500ml nước thì lấy uống 3 lần/ngày. Bài thuốc này cũng giúp hạ huyết áp rất tốt.
  • Chữa mụn nhọt, sưng tấy: Giã tươi toàn bộ cây và phần rễ củ của cây hồi đầu thảo, cho thêm giấm hoặc nước vào giã cùng để vắt lấy nước uống, còn phần bã đắp vào vết thương.
  • Chữa đau nhức toàn thân: Rễ củ cây hồi đầu thảo sau khi được rửa sạch, phơi khô thì mang ngâm với rượu gạo 40 trong 1 tháng. Uống 2 ly nhỏ/ngày trong mỗi bữa ăn để chữa đau nhức toàn thân.

Cây hồi đầu thảo được tìm thấy nhiều ở vùng núi phía Bắc nước ta, là loại dược liệu quý của người dân tộc Tày, Thái với công dụng chữa kinh nguyệt ở phụ nữ và tăng cường tiêu hóa.

Với những công dụng trên bạn có thể tham khảo và sử dụng cây hồi đầu thảo khi đã có sự tư vấn của những người có chuyên môn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.