Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Công dụng chữa bệnh của cây chỉ cụ cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Cây chỉ cụ còn hay gọi là vạn thọ hay kê trảo, dược liệu được sử dụng phổ biến với công dụng chống nôn,giải rượu, giải độc, tiểu tiện không thông…
1. Đặc điểm cây chỉ cụ
Cây chỉ cụ có tên khoa học Hovenia dulcis Thunb. – thuộc họ Táo ta (Khanaceae). Đây là loại cây gỗ và có đặc điểm như sau:
- Thân cây: Cây gỗ có thân lớn, sống lâu năm và chiều cao cây có thể tới 15m;
- Lá cây mọc so le, gần giống với lá cây dâu tằm; lá có dạng hình tim với những răng cưa nhỏ nằm ở mép lá;
- Hoa cây có màu trắng xanh, mọc thành chùm. Bông hoa nhỏ có 5 cánh xếp đều như hình ngôi sao;
- Quả cây có hình cầu màu xanh, kích thước tương đối nhỏ (đường kính khoảng 0,5cm). Quả khi chín có màu nâu, cuống to ngắn và có kích thước gần bằng quả.
Quả và cuống quả là các bộ phận được dùng trong điều trị bệnh. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh quả cây chỉ cụ chứa các thành phần hóa học như saccarozo, glucose, fructose, muối nitrat, muối kali…
2. Công dụng của cây chỉ cụ
Công dụng cây chỉ cụ trong điều trị bệnh đã được nghiên cứu và chứng minh cả trong Y Học Cổ Truyền và y học hiện đại.
Vị thuốc chỉ cụ trong Đông y có tính bình, ngọt chát và tác dụng như sau:
- Bổ gan và giải độc gan;
- Giải độc bia, rượu;
- Chống nôn;
- Ổn định và cải thiện đường tiêu hóa;
- Tăng sức đề kháng cho cơ thể;
- Lợi tiểu;
- Hỗ trợ điều trị tiểu đường: Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh hoạt động hạ đường huyết của vị thuốc chỉ cụ.
– Công dụng của cây chỉ cụ trong y học hiện đại:
- Hoạt động bảo vệ tế bào gan: Nghiên cứu thực hiện trên chuột thí nghiệm cho kết quả chiết xuất methanol từ cây chỉ cụ có công dụng bảo vệ tế bào gan;
- Hoạt động hạ đường huyết, hỗ trợ điều trị tiểu đường: Nghiên cứu thực hiện trên chuột mắc bệnh tiểu đường cho kết quả chiết xuất từ cây chỉ cụ có công dụng hạ đường huyết đáng kể;
- Hoạt động chống viêm, giải độc rượu bia: Một nghiên cứu khoa học thực hiện trên hai nhóm chuột nghiện rượu mãn tính, trong đó một nhóm sử dụng chiết xuất ethanol từ hạt cây chỉ cụ và nhóm đối chứng không sử dụng. Kết quả cho thấy, chiết xuất ethanol từ dược liệu đóng vai trò quan trọng giúp cải thiện tình trạng viêm nhiễm, giảm tình trạng gan nhiễm mỡ do rượu thông qua công dụng điều hòa chuyển hóa lipid.
3. Cây chỉ cụ trong bài thuốc chữa bệnh
Cây chỉ cụ được ứng dụng trong các bài thuốc sau đây:
- Bài thuốc dùng nước sắc uống: Sử dụng 5g quả và cuống quả chỉ cụ phơi khô, đem rửa sạch và bỏ vào bình giữ nhiệt hoặc ấm pha trà. Hãm vị thuốc với 500ml nước đun sôi trong thời gian khoảng 30 phút hoặc đun sôi dược liệu trong 600ml nước sạch, để nguội và lấy nước uống trong ngày. Bài thuốc có công dụng bổ gan, giải độc bia rượu và lợi tiểu.
- Bài thuốc dùng rượu ngâm dược liệu: Sử dụng 500g quả và cuống quả chỉ cụ phơi khô, đem ngâm trong 4 lít rượu gạo 35 độ, thời gian ngâm khoảng 1 tháng. Rượu sau khi được ngâm dùng khoảng 2 – 3 ly nhỏ mỗi ngày, uống trong bữa ăn để đạt hiệu quả cao nhất. Bài thuốc giúp tăng cường tiêu hóa, bồi bổ sức khỏe và gan. Tuy nhiên liều lượng dùng cần đúng theo khuyến cáo, không nên uống quá nhiều.
Như vậy, cây chỉ cụ là dược liệu có nhiều công dụng đối với sức khỏe, tuy nhiên cũng như các vị thuốc khác, dược liệu này có thể gây ra những tác dụng phụ nhất định. Vì vậy, để đảm bảo độ an toàn và hiệu quả trong điều trị, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.