Các thảo dược chữa mất ngủ

Các thảo dược chữa mất ngủ

Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Các thảo dược chữa mất ngủ cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.

Mất ngủ trong Y Học Cổ Truyền được gọi là chứng mất thiên hoặc chứng bất mị. Đây là tình trạng rối loạn giấc ngủ với biểu hiện ban đêm thiếu ngủ hoặc không ngủ được. Tình trạng nếu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, dễ trầm cảm… Điều trị mất ngủ được thực hiện theo nhiều phương pháp, trong đó việc sử dụng các loại thảo dược từ tự nhiên được xem là mang lại nhiều hiệu quả và ít tác dụng phụ cho người bệnh.

1. Tổng quan về mất ngủ

Mất ngủ trong Y Học Cổ Truyền được gọi là chứng mất thiên hoặc chứng bất mị. Người bệnh mắc chứng mất ngủ thường có các triệu chứng như cả đêm không ngủ được, hoặc lúc ngủ lúc tỉnh, hay quên, tim đập hồi hộp, người mệt mỏi ăn không ngon…

Tình trạng mất ngủ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, dễ trầm cảm. Vì vậy điều trị mất ngủ là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần. Một số biện pháp giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ được sử dụng hiện nay như sau:

Sử dụng thuốc Tây y theo chỉ định của bác sĩ: Các loại thuốc an thần, gây ngủ được bác sĩ kê đơn ở người bệnh mất ngủ kéo dài. Mặc dù công dụng giúp ổn định giấc ngủ nhưng các loại thuốc này có khá nhiều tác dụng phụ nên thường được kê đơn trong thời gian ngắn. Trong nhiều trường hợp, người bệnh chủ quan tự ý dùng thuốc khi chưa được chỉ định của bác sĩ mà không biết đến các tác dụng của thuốc như gây trầm cảm, phụ thuộc thuốc, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính… Vì vậy, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc để tránh các tác dụng phụ nguy hiểm và làm nặng thêm tình trạng mất ngủ.

Sử dụng các phương pháp điều trị theo Y Học Cổ Truyền: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất ngủ, mà theo Y Học Cổ Truyền tình trạng mất ngủ có liên quan đến các tạng Tâm, Can, Tỳ, Phế, thường gặp trên lâm sàng các thể bệnh do can khí uất kết, tâm tỳ huyết hư, tỳ thận yếu. Vì vậy, điều trị mất ngủ trong đông y hướng đến nguyên nhân gây bệnh bằng cách điều hòa ngũ tạng, nâng cao thể chất và đảm bảo hiệu quả lâu dài như sau:

  • Sử dụng liệu pháp và kết hợp thay đổi lối sống: Các liệu pháp châm cứu,ngâm chân,xoa bóp bấm huyệt… kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý, luyện tập thể dục mỗi ngày sẽ giúp người bệnh cải thiện được tình trạng mất ngủ. Các liệu pháp cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa Y Học Cổ Truyền;
  • Sử dụng thảo dược trị mất ngủ: Có nhiều loại thảo dược trong Y Học Cổ Truyền được sử dụng với công dụng an thần, giúp ngủ ngon, mà ít gây ra các tác dụng phụ. Vì vậy, hiện nay việc sử dụng các loại thảo dược được xem là giải pháp an toàn, dễ thực hiện nên được nhiều người ưu tiên sử dụng.

Xem ngay: Điều trị mất ngủ ở người già theo Đông y

thảo dược trị mất ngủ
Người bị mất ngủ có thể tham khảo các loại thảo dược trị mất ngủ

2. Thảo dược điều trị mất ngủ

Một số loại thảo dược chữa mất ngủ có thể kể đến như sau:

2.1. Bình vôi

Theo Y Học Cổ Truyền, dược liệu bình vôi có tính lương, vị đắng, quy vào kinh Can và Tỳ. Dược liệu này có công dụng an thần, gây ngủ và được sử dụng trong các bài thuốc an thần, gây ngủ, chữa đau dạ dày, hạ huyết áp,hen suyễn, khó thở, chống co quắp. Bên cạnh đó, bình vôi còn được phối hợp cùng các vị thuốc khác trong điều trị sốt rét, ho lao, kiết lỵ, mụn nhọt…

Hoạt chất rotundin trong củ bình vôi có công dụng an thần, trấn tĩnh thần kinh nên rất có lợi trong điều trị chứng bệnh giật kinh phong, chống co quắp. Rotundin còn có tác dụng điều hòa tim mạch nên được sử dụng điều trị bệnh đau tim, hạ huyết áp, chống co thắt cơ vành, hen suyễn bởi tác dụng điều hòa hô hấp. An thần là tác dụng rõ rệt nhất của hoạt chất này, tuy nhiên nếu sử dụng với liều lượng cao sẽ gây kích thích thần kinh trung ương dẫn đến co giật.

Một số bài thuốc trị mất ngủ từ thảo dược bình vôi như sau:

  • Bài thuốc 1: Sử dụng củ bình vôi tán thành bột và đem ngâm với rượu 40 độ theo tỷ lệ 1 phần bột, 5 hoặc 10 phần rượu. Sử dụng 5 – 15ml rượu ngâm uống trong một ngày và có thể sử dụng thêm một ít đường để dễ uống;
  • Bài thuốc 2: Sử dụng 10 – 15g mỗi loại dược liệu gồm long nhãn, hạt sen, nhân hạt táo chua, 8g củ bình vôi, 12g lá vông. Hỗn hợp dược liệu đem sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang, nên uống trước khi đi ngủ 30 phút. Bài thuốc được sử dụng trong điều trị mất ngủ ở người gầy, đánh trống ngực, hay hồi hộp, sợ hãi, ngủ không yên, tinh thần suy nhược…

2.2. Cây lạc tiên

Một trong những phương pháp trị mất ngủ bằng thảo dược là sử dụng cây lạc tiên. Theo Y Học Cổ Truyền, dược liệu lạc tiên có tính mát, vị đắng và ngọt, công dụng lợi tiểu, tiêu viêm, chữa mất ngủ, an thần, viêm da… Nghiên cứu từ các nhà khoa học thấy các hoạt chất trong cây lạc tiên công dụng ổn định hệ thần kinh trung ương, chống hồi hộp, mất ngủ, lo âu.

Một số bài thuốc điều trị mất ngủ từ dược liệu bình vôi như sau:

  • Bài thuốc chữa mất ngủ, tim hồi hộp: Sử dụng 15g lạc tiên khô đem sắc với nước và dùng uống thay trà mỗi ngày. Hoặc có thể sử dụng lạc tiên kết hợp với các vị thuốc khác theo tỷ lệ như sau: 50g lạc tiên, 30g lá vông, 2g tâm sen, 10g lá dâu tằm, 90g đường. Hỗn hợp dược liệu đem sắc với nước và uống mỗi ngày một thang. Bài thuốc nên sử dụng trong thời gian từ 7 – 10 ngày;
  • Bài thuốc chữa mất ngủ, suy nhược thần kinh: Sử dụng 50g cây lạc tiên, 30g lá vông, 10g lá dâu tằm, 2.2g liên tâm, 90g đường, 100ml nước. Hỗn hợp dược liệu được chế biến thành cao lỏng, sử dụng axit benzonic để bảo quản và một lượng cồn vừa đủ nhằm hòa tan axit benzonic. Cao lỏng thu được đem dùng 2 – 4 thìa cà phê mỗi ngày, nên uống trước khi đi ngủ để đạt hiệu quả cao;
  • Bài thuốc dịu thần kinh, an thần giúp ngủ ngon: Dùng 20g lạc tiên, 6g cam thảo, 2g lá vông nem, 12g hạt sen, 10g táo nhân, 10g lá tre và 10g lá dâu. Hỗn hợp dược liệu đem sắc với 600ml nước đến khi còn khoảng 200ml, nước thuốc dùng uống trong ngày. Dùng mỗi ngày 1 thang trong thời gian từ 7 – 10 ngày;
  • Bài thuốc trị khó ngủ ở người cao tuổi, đau mỏi người: Dùng 500g cây lạc tiên (cả dây lá, quả non, rễ), 300g hoa thiên lý và 100g lá mướp đắng non. Tất cả dược liệu đem sao khử thổ rồi tán nhuyễn thành bột, thêm 50g đậu xanh đã được rang chín và tán nhuyễn. Bột thuốc thu được đem pha với nước sôi nguội uống thay trà mỗi ngày, tỷ lệ dùng là 3 thìa cà phê bột thuốc pha với 100ml nước sôi.
thảo dược chữa mất ngủ
Thảo dược chữa mất ngủ có thể sử dung cây lạc tiên để trị bệnh

2.3. Long nhãn

Trong Y Học Cổ Truyền, long nhãn còn được gọi à cùi nhãn có công dụng an thần, bổ tỳ và tâm, chữa suy nhược suy nhược cơ thể… đặc biệt là chứng mất ngủ kéo dài. Nghiên cứu từ các nhà khoa học cho thấy long nhãn chứa nhiều chất dinh dưỡng và các khoáng chất, cụ thể như sau:

  • Cùi nhãn tươi chứa 77,15% nước; 0,13% chất béo; 1,47% protid; 12,25% đường saccaroza, các loại vitamin A, B;
  • Cùi nhãn khô (long nhãn nhục) chứa 0,85% nước; 79,77% các hợp chất tan trong nước (26,91% glucose; 0,22% saccarozo; 1,26% axit taetric); 19,39% các hợp chất không tan trong nước.

Một số bài thuốc chữa mất ngủ từ thảo dược long nhãn cụ thể như:

  • Bài thuốc 1: Dùng 100g cùi nhãn và 100g gạo nếp. Gạo nếp vo sạch với nước và đem nấu cháo. Đến giai đoạn gạo nếp nở gần hết thì cho cùi nhãn vào. Nêm gia vị và ăn khi cháo còn ấm giúp an thần và chữa bệnh mất ngủ kéo dài;
  • Bài thuốc 2: Dùng 9g cùi nhãn, 9g táo nhân và 15g khiếm thực. Hỗn hợp dược liệu đem sắc với nước và dùng uống trước khi đi ngủ;
  • Bài thuốc 3: Dùng 16g long nhãn, 12g đương quy, 12g hoàng kỳ và 16g thục địa. Đem tất cả dược liệu sắc với nước lọc. Nước thuốc thu được chia làm 2 lần uống trong ngày, sử dụng bài thuốc liên tục trong 10 – 15 ngày giúp điều trị dứt điểm chứng mất ngủ thường xuyên.

Xem ngay: Xoa bóp bấm huyệt điều trị mất ngủ

2.4. Cây vông nem

Trong Y Học Cổ truyền, lá cây vông nem có vị hơi đắng và chát, tính bình, tác dụng dễ ngủ, an thần, hạ nhiệt, hạ huyết áp, sát trùng, trừ phong thấp, điều trị bệnh trĩ... Trong dân gian, dược liệu vông nem được sử dụng để chữa chứng đau đầu, mất ngủ bằng cách sắc nước uống hoặc dùng lá làm rau ăn. Một số bài thuốc trị mất ngủ từ cây vông nem như sau:

  • Bài thuốc 1: Dùng 20g lá cây vông nem tươi đem rửa sạch, vò hơi nát và đem hấp vào nồi cơm. Lá vông sau khi hấp dùng ăn trước khi đi ngủ giúp ngủ ngon hơn;
  • Bài thuốc 2: Dùng 15g lá vông khô, cắt nhỏ và đem sắc với 2 chén nước, sắc đến khi còn khoảng nửa chén nước. Nước thuốc sắc được đem uống 1 lần trong ngày, sử dụng bài thuốc trong vài ngày sẽ chấm dứt tình trạng mất ngủ;
  • Bài thuốc 3: Dùng 1 nắm lá vông, 1 nắm hoa thiên lý và 1 nắm lá dâu non đem nấu canh ăn mỗi ngày;
thảo dược trị mất ngủ
Cây vông nem là một trong các loại thảo dược trị mất ngủ hiệu quả

2.5. Tâm sen

Tâm sen hay Liên tâm là mầm của hạt sen. Trong Y Học Cổ Truyền, tâm sen có tính hàn, vị đắng, quy kinh tâm và có công dụng thanh tâm, trấn kinh an thần, giải nhiệt nên thường được dùng để điều trị mất ngủ.

Hoạt chất alcaloid trong tâm sen là thành phần có tác dụng ngủ ngon và có an thần nhưng cũng có thể gây độc cho cơ thể. Cụ thể, sử dụng dược liệu tâm sen ở liều phù hợp sẽ giúp an thần nhưng nếu hãm quá đặc có thể dẫn đến tình trạng hồi hộp, lo âu, tim đập nhanh, khó ngủ thậm chí là mất ngủ trắng đêm. Nếu sử dụng liều quá thấp (hãm nước uống quá loãng) vừa không có tác dụng gây ngủ vừa dẫn đến tình trạng tiểu đêm làm nặng thêm chứng mất ngủ.

Alcaloid trong tâm sen có công dụng an thần là chính, giúp có giấc ngủ ngon nhưng công dụng hồi phục thần kinh chưa mạnh, vì vậy khi dùng lâu ngày có thể bị nhờn thuốc.

Có rất nhiều loại thảo dược được nghiên cứu và sử dụng để điều trị bệnh mất ngủ. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn thì người bệnh cần khám và nhờ sự tư vấn từ bác sĩ, lương y có chuyên môn y học cổ truyền.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.