Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây long nha thảo có tác dụng gì? cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Cây long nha thảo là loại dược thảo quan trọng, được sử dụng trong nhiều bài thuốc trị bệnh lỵ, xuất huyết giảm tiểu cầu, trị chảy máu cam, nổi hạch,…
1. Vài nét về cây long nha thảo
Long nha thảo còn được gọi là cỏ răng rồng, tiên hạc thảo, có tên khoa học là Agrimonia nepalensis D. Don, thuộc họ hoa hồng (Rosaceae).
Cây thuộc loại cỏ cao khoảng 0.5 – 1.5m, toàn thân có vạch dọc, lông trắng và nhiều cảnh. Lá mọc so le kép, thân rễ mọc ngang, cả 2 mặt lá đều có nhiều lông, hoa nhỏ mọc thành chùm ở đầu cành hoặc kẽ lá. Cánh hoa màu vàng, quả gồm 2 – 3 quả, toàn cây có nhiều gai.
Cây long nha thảo mọc hoang ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam như Lạng Sơn, Lào Cai,…
2. Cây long nha thảo có tác dụng gì?
Cây long nha thảo có thể sử dụng toàn cây để làm dược liệu. Người ta thu hái cả cây vào cuối mùa thu, đem rửa sạch rồi phơi sấy khô, cắt thành từng đoạn.
Thành phần hóa học của cây long nha thảo bao gồm các chất: Flavonoid glycosid, hyperoside, isoquercitrin, dẫn chất agrimol, tinh dầu và tanin.
Cây có nhiều tác dụng dược lý trong Y Học Hiện Đại như:
- Cao long nha thảo có tác dụng kháng khuẩn;
- Trong nghiên cứu, các Agrimol A, B, C, D, E chiết xuất từ long nha thảo có thể bảo vệ chuột nhắt khi được gây nhiễm trùng sốt rét;
- Long nha thảo có tác dụng gây hưng phấn cơ xương nhưng lại ức chế, làm tê liệt các khớp thần kinh cơ;
- Tanin trong long nha thảo có thể chống lại virus, vi khuẩn và chữa trị đau bụng, tiêu chảy;
- Thuốc có tác dụng làm liệt cơ trên giun lợn và đỉa;
- Ở Trung Quốc, long nha thảo được dùng để trị sán. Người ta thu hái chồi mầm long nha thảo vào mùa đông, khơi khô tán bột để uống lúc đói khoảng 50g. Khoảng 5 – 6 giờ sau khi dùng thuốc, cả đầu sán và đốt sán đều bị tống ra. Trong thử nghiệm tại bệnh viện, hiệu quả đạt tới 98.5%. Hoạt chất agrimophol trong loại dược liệu này có công dụng diệt sán, ít tác dụng phụ;
- Thí nghiệm trên tim ếch cho thấy liều nhỏ long nha thảo làm tăng tần số tim, giảm biên độ co bóp của tim nhưng liều lớn có thể gây liệt tim;
- Thử nghiệm trên thỏ và chó cho thấy long nha thảo làm tăng huyết áp (có thể do tác dụng gây co mạch);
- Long nha thảo có thể làm tăng tốc độ đông máu;
- Khi thử nghiệm trên chuột nhắt, lá long nha thảo làm giảm mức độ tăng đường huyết;
- Thử nghiệm trên thỏ có thai, dịch chiết từ 3g long nha thảo mang tiêm tĩnh mạch gây co bóp mạnh sừng tử cung;
- Theo nghiên cứu, cao chiết methanol từ rễ long nha thảo có thể kéo dài thời gian sống của chuột nhắt có khối u;
- Với liều vừa phải, long nha thảo có công dụng kích thích hô hấp. Với liều cao, ban đầu long nha thảo gây tăng hô hấp, sau đó gây suy hô hấp;
- Nghiên cứu trên ếch, long nha thảo có thể làm giãn đồng tử.
Trong Y Học Cổ Truyền, long nha thảo có vị đắng chát, tính ấm, được dùng để: Làm thuốc cầm máu trị bệnh đi ngoài ra máu, ho ra máu, chảy máu cam, chấn thương va đập, xuất huyết tử cung. Liều dùng 6 – 15g/ngày (loại khô), 60 – 120g/ngày (loại tươi), uống dưới dạng thuốc sắc, chia làm nhiều lần uống trong ngày. Ngoài ra, cây thuốc này còn được dùng làm thuốc bổ tim, chữa mụn nhọt hay chữa lỵ.
3. Các bài thuốc chữa bệnh từ cây long nha thảo
Ứng dụng của long nha thảo trong các bài thuốc dân gian gồm:
- Trị mụn nhọt sưng đau (chưa vỡ mủ): Chuẩn bị 60g long nha thảo, cho vào niêu cùng với 300ml nước, 200ml rượu, sắc còn 150ml nước thuốc, chia uống 2 lần/ngày. Ngoài ra, bệnh nhân có thể dùng 20g long nha thảo tươi, rửa sạch, giã nát rồi trộn với một ít mật ong để đắp vào vị trí bị thương. Nên đắp 2 giờ, thay băng 1 lần/ngày, đắp liền trong vòng 3 ngày;
- Trị nổi hạch, tràng nhạc: Chuẩn bị 20g long nha thảo, 12g huyền sâm, 12g nghệ đen, 10g xạ can, 10g ngưu tất, cho vào niêu sắc với nước để uống;
- Trị chảy máu cam do nóng: Chuẩn bị 5g long nha thảo tươi, rửa sạch, giã nhỏ. Sau đó, thêm vào chút nước đun sôi để nguội, giã và vắt lấy nước uống 2 lần/ngày. Bệnh nhân nên dùng bài thuốc trong 5 ngày liên tiếp và cần kiêng đồ cay nóng;
- Trị ban xuất huyết do giảm tiểu cầu: Chuẩn bị 20g long nha thảo, 12g kim ngân hoa, 10g đan bì, 10g sinh địa, 10g cỏ nhọ nồi, cho vào niêu sắc với nước uống hằng ngày;
- Trị ngứa âm đạo cho trùng roi: Chuẩn bị một lượng long nha thảo thích hợp, đem sắc kỹ, chắt lấy nước rồi chế thành cao lỏng 200% (tỷ lệ: 1ml cao tương đương 2g dược liệu). Khi dùng, lấy bông y tế thấm cao, bôi vào âm đạo, 1 lần/ngày, dùng liệu trình 7 ngày;
- Trị các chứng chảy máu: Chuẩn bị 12 – 20g long nha thảo, cho vào niêu sắc với nước, thêm đường trắng để pha uống 2 lần/ngày;
- Trị nôn ra máu, đại tiện ra máu hoặc băng huyết: Chuẩn bị 20g long nha thảo, 20g ngó sen, 12g xuyến thảo, cho vào niêu với nước, sắc uống;
- Trị chảy máu do chấn thương: Chuẩn bị lượng long nha thảo phù hợp, nghiền thành bột, đắp vào chỗ đau chảy máu;
- Trị tử cung chảy máu cơ năng: Chuẩn bị 20g long nha thảo, 20g liên bồng thán, 6g hương phụ sao, cho vào niêu với nước, sắc uống;
- Bổ trung ích khí: Chuẩn bị 120g long nha thảo tươi, 63g đại táo, cho vào niêu cùng với nước, đem sắc uống. Bài thuốc này dùng khi trung khí bất túc, mệt mỏi, mắc các chứng viêm nhiễm sốt có triệu chứng xuất huyết (sốt xuất huyết hay xuất huyết đường tiêu hóa);
- Trị giun đũa: Lấy rễ hoặc mầm long nha thảo thu hái vào đầu xuân hoặc cuối thu, rửa sạch, cạo bỏ vỏ ngoài khi còn tươi rồi phơi khô và nghiền thành bột mịn. Người lớn dùng 50g, trẻ em dùng 1g/kg thể trọng, uống vào lúc sáng sớm khi đói bụng;
- Trị tiêu chảy do lỵ trực trùng (thể nhẹ): Chuẩn bị 15 – 20g long nha thảo, rửa sạch rồi đổ vào niêu cùng 700ml nước, sắc tới khi còn 200ml nước thì thêm 25g đường trắng vào. Uống 3 lần/ngày, dùng liền trong 5 ngày.
Ứng dụng của long nha thảo trong các món ăn trị bệnh gồm:
- Nước đường long nha thảo: Dùng cho bệnh nhân lao phổi khái huyết. Bạn cần chuẩn bị 18g long nha thảo, sắc lấy nước, bỏ bã rồi cho vào 30g đường trắng, khuấy tan và đun sôi, cho bệnh nhân uống hằng ngày;
- Nước sắc long nha thảo đường đỏ trứng gà: Dùng cho phụ nữ dọa sẩy thai hoặc xuất huyết rỉ rả. Bạn cần chuẩn bị 30g long nha thảo, sắc lấy nước rồi bỏ bã; cho 30g đường đỏ vào, đập 10 quả trứng gà vào, đun chín trứng là có thể dùng;
- Long nha thảo hầm gan lợn: Dùng cho trẻ còi xương, suy dinh dưỡng. Bạn chuẩn bị 5 – 20g long nha thảo, rửa sạch rồi đem nấu nhừ với 100g gan lợn, vớt bỏ bã thuốc, thêm gia vị rồi cho trẻ ăn gan và uống nước canh;
- Long nha thảo chưng rượu: Dùng cho phụ nữ bị viêm tắc sữa hoặc áp xe vú khởi phát. Bạn chuẩn bị 30g long nha thảo, chưng với 500ml rượu.
4. Lưu ý khi sử dụng long nha thảo
4.1 Tác dụng phụ khi dùng long nha thảo
Long nha thảo có thể gây ra các tác dụng phụ như:
- Khó chịu, đau bụng, táo bón;
- Tim đập nhanh, đỏ mặt và cao huyết áp;
- Nhạy cảm với ánh sáng, da dễ bị bắt nắng;
- Mẫn cảm, phát ban, dị ứng, hạ đường huyết.
4.2 Thận trọng khi dùng long nha thảo
Trước khi dùng long nha thảo, bạn cần biết:
- Nên dùng các thuốc kháng histamin nếu bạn sở hữu làn da mẫn cảm;
- Long nha thảo có thể làm giảm lượng đường trong máu nếu sử dụng cùng với các thuốc chống tiểu đường;
- Long nha thảo có thể làm tăng nguy cơ mất máu nếu sử dụng cùng với thuốc chống đông máu.
Cho đến nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về tác dụng của long nha thảo với trẻ em và phụ nữ có thai, đang cho con bú. Do đó, không nên dùng vị thuốc này cho các nhóm đối tượng trên. Cần cẩn thận khi dùng long nha thảo trước khi phẫu thuật. Tốt nhất là không dùng vị thuốc này ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật.
Long nha thảo là loại dược liệu có nhiều tác dụng quý nhưng cần sử dụng đúng liều lượng. Đã có báo cáo về việc dùng long nha thảo với liều cao gây suy hô hấp, liệt tim trên động vật,… Do vậy, bệnh nhân khi dùng thuốc cần tham khảo ý kiến bác sĩ, dùng đúng liều lượng (dựa trên tuổi tác, tình trạng sức khỏe,…).
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.