Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây nàng nàng trị bệnh gì? cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Cây nàng nàng là một vị thuốc quý trong dân gian, được sử dụng trong nhiều bài thuốc khác nhau. Sau đây là thông tin chi tiết về đặc điểm, công dụng và cách dùng cây thuốc này.
1. Cây nàng nàng có đặc điểm gì?
Cây nàng nàng còn được gọi là cây trứng ếch (vì chùm quả nàng nàng có hình dáng tương tự trứng ếch), cây bọt ếch, cây trứng ốc, cây nổ trắng, pha tốp,… Tên khoa học của cây là Callicarpa cana L, thuộc họ cỏ roi ngựa (Verbenaceae).
Nàng nàng là cây thân gỗ nhỏ, có nhiều nhánh, cành vuông, vỏ phủ lông màu xám hoặc màu trắng. Lá cây hình mũi mác, mọc đối xứng, mép lá xẻ răng cưa, đầu lá nhọn. Lá cây có chiều dài khoảng 7 – 20cm, chiều rộng khoảng 2,5 – 11cm. Cây nàng nàng thường ra hoa và quả vào khoảng tháng 5 – tháng 9 hằng năm. Hoa mọc từ các kẽ lá, màu hồng, nhỏ li ti. Quả nàng nàng có hình cầu, đường kính khoảng 2 – 3mm mỗi quả, vỏ ngoài nhẵn, có sắc tía.
Cây nàng nàng chủ yếu mọc hoang ở ven rừng hoặc các vùng đồi núi khu vực trung du nước ta như các tỉnh Yên Bái, Ninh Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Nam, Lâm Đồng, Hà Tĩnh,… Ngoài nước ta, một số nước nhiệt đới trong khu vực châu Á cũng có loại thảo dược này.
2. Cây nàng nàng có tác dụng gì?
Trong Y Học Cổ Truyền, các bộ phận của cây nàng nàng gồm rễ, thân, lá đều được dùng làm dược liệu. Loại dược thảo này có thể thu hoạch vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Khi thu hái về, bạn đem phân loại từng bộ phận, rửa sạch và phơi khô. Riêng rễ và thân cây thì cần thái mỏng trước khi phơi sấy.
Lá và thân cây có chứa nhiều tinh dầu. Thành phần chính của thân cây là cumarin. Cây có vị đắng, tính bình, có các tác dụng: Hành huyết, tán ứ, giải độc, tiêu đờm, giảm sưng đau, mạnh gân xương, kiện kinh khí, thông đại tiện, lợi tiểu và làm giãn nở trường vị.
Cây nàng nàng trị bệnh gì? Cây giúp bồi bổ sức khỏe, trị kém ăn sau sinh, nóng gan, vàng da, bế kinh, tắc kinh nguyệt, mụn nhọt hoặc lở loét ngoài da,… Theo khuyến nghị của các thầy thuốc đông y, mỗi ngày người bệnh có thể sử dụng 6 – 12g nàng nàng tùy theo mục đích điều trị bệnh. Các cách sử dụng vị thuốc này gồm: Ngâm rượu, sắc thuốc hoặc tán bột uống.
3. Các bài thuốc chữa bệnh từ cây nàng nàng
Cây nàng nàng là dược thảo được sử dụng trong chủ trị một số bệnh sau:
- Chữa kinh nguyệt không đều: Sử dụng 20g lá nàng nàng khô, đem sắc với 400ml nước trong 15 phút. Sau đó, bạn chia thuốc sắc uống 2 lần/ngày;
- Trị mụn nhọt, vết loét ngoài da: Chuẩn bị một lượng lá nàng nàng vừa đủ, đem sao rồi tán bột. Khi dùng, rắc bột lên khu vực bị mụn nhọt, lở loét khoảng 2 – 3 lần/ngày. Có thể nấu lá cây nàng nàng với nước để rửa vị trí bị mụn nhọt, lở loét;
- Kiện tinh, làm mạnh gân xương: Phơi khô thân và lá cây nàng nàng. Sau đó, bạn tán thành bột mịn, uống theo liều lượng được khuyến nghị bởi thầy thuốc đông y (khoảng 6 – 12g). Để nâng cao hiệu quả trị liệu, người bệnh có thể phối hợp nàng nàng với các loại thảo dược khác như dây đau xương, vỏ cây ngũ gia bì và vỏ gòn;
- Giải nhiệt, kích thích tiêu hóa và bồi bổ sức khỏe phụ nữ sau sinh: Phơi khô thân và lá cây nàng nàng, mỗi ngày sắc khoảng 10 – 12g lấy nước đặc, uống hằng ngày cho tới khi sức khỏe được cải thiện;
- Làm mạnh gân xương: Chuẩn bị 1kg thân và rễ cây nàng nàng khô, 2 lít rượu 40 – 45°. Sau đó, đem dược liệu sao vàng, hạ thổ cho nguội bớt rồi ngâm với rượu trong bình thủy tinh. Đợi khoảng 30 ngày là có thể sử dụng. Mỗi ngày nên uống 2 – 3 ly rượu thuốc nhỏ.
*Lưu ý: Do mặt dưới của lá nàng nàng có màu bạc giống lá bạc thau nên có nơi gọi là cây bạc thau và cũng dùng để chữa bệnh khí hư, bạch đới.
Trong Y Học Cổ Truyền, cây nàng nàng có nhiều công dụng đối với sức khỏe. Khi sử dụng các bài thuốc từ loại thảo dược này, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ đông y, tuân thủ đúng về liều lượng và thời gian dùng để đảm bảo hiệu quả trị liệu tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.