Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây nữ lang có tác dụng gì? cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Hồng Chính – Bác sĩ Y Học Cổ Truyền – Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec – Sao Phương Đông
Cây nữ lang là một cây thân thảo, thường mọc ở trên các dãy núi cao trên 1.000m ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta như Sapa (Lào Cai), Yên Bái, Lai Châu. Ngoài ra, nó còn được tìm thấy ở một số tỉnh miền Nam như Đà Lạt, Lâm Đồng. Vậy cây nữ lang có tác dụng gì?
1. Cây nữ lang có tác dụng gì?
Cây Nữ lang được sử dụng từ thời Hipocrates trong các bệnh về tiêu hóa, đầy hơi, bệnh đường tiết niệu. Tác dụng điều trị mất ngủ và các bệnh thần kinh của loài cây này được công bố từ cuối thế kỉ 16.
Thành phần quan trọng nhất trong cây nữ lang là acid Valerenic và các dẫn xuất Valepotriates. Các chất này gắn kết vào thụ thể GABA (đây là acid quan trọng duy trì hoạt động của não bộ, giấc ngủ) nên giúp ngăn chặn căng thẳng và bất an. Điều này giúp phục hồi lại quá trình ức chế của não bộ, giúp giảm kích thích giúp bạn dễ ngủ hơn. Đặc biệt, khác với các nhóm thuốc an thần gây ngủ trong Tây y, việc sử dụng vị thuốc nữ lang lâu dài rất an toàn, không gây ra tác dụng phụ như là gây nghiện, lệ thuộc thuốc, suy giảm tập trung, giảm trí nhớ và suy giảm hoạt động thể chất.
Nghiên cứu thực hiện trên 11.168 bệnh nhân bị mất ngủ được cho sử dụng cây nữ lang cho thấy: Đến 94% người bệnh mất ngủ từ nhẹ đến trung bình sau khi sử dụng cây nữ lang đã cải thiện các triệu chứng như khó ngủ, trằn trọc, tỉnh giấc, không còn mệt mỏi khi thức dậy.
Từ xa xưa, người dân tộc Mèo ở vùng cao Tây Bắc đã biết sử dụng cây nữ lang để chữa mất ngủ. Ngày nay, sau nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã chứng minh cây nữ lang còn có những công dụng khác như:
- An thần, điều trị mất ngủ.
- Chống co giật
- Hỗ trợ trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày.
- Hỗ trợ trong điều trị bệnh mạch vành, thiếu máu cơ tim.
- Bảo vệ tế bào gan, hỗ trợ trong điều trị viêm gan B.
2. Tác dụng của cây nữ lang theo Y Học Cổ Truyền là gì?
Bộ phận dùng làm thuốc của cây nữ lang là phần rễ của cây, được thu hái vào mùa thu và có thể dùng tươi hoặc phơi khô. Vị thuốc nữ lang có vị ngọt, cay, tính ấm, không độc, đi vào hai kinh Tâm và Can.
Theo Y Học Cổ Truyền, vị thuốc nữ lang có tác dụng kích thích mạnh, lợi trung tiện, sát trùng.
Ở Ấn Độ, cây nữ lang thường được sử dụng thay thế loài Hiệt thảo (Có tên khoa học là Valeriana offcinalis L., có tác dụng dưỡng tâm an thần, hoạt huyết thông kinh, lý khí chỉ thống) chữa chứng hysteria, chứng múa giật, động kinh, chứng loạn thần kinh chấn thương thời chiến, chứng loạn thần kinh chức năng.
Trên lâm sàng, cây nữ lang được sử dụng để:
- Điều trị mất ngủ: Dùng 10-15g cây nữ lang (cả cây và rễ) sắc nước uống hàng ngày
- Điều trị bệnh đau dạ dày: Dùng rễ cây nữ lang sao khô tán thành bột mịn, hòa nước uống ngày 2 lần, mỗi lần 4g.
- Hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch, tăng cường sức khỏe: Sử dụng 10-15g cây nữ lang khô, cùng với 20g cây dong riềng đỏ khô sắc nước uống hàng ngày.
- Chữa thần kinh suy nhược, bồn chồn, trống ngực, mất ngủ: Dùng nữ lang 100g, ngâm trong 1 lít rượu trắng trong vòng ít nhất 1 tuần, sau đó chiết rượu ra, mỗi lần 10-15ml, ngày uống 2 lần. Hoặc dùng 6-12g cây nữ lang sắc nước uống thay nước trong ngày. Hoặc sử dụng nữ lang 6g, ngũ vị tử 8g; sắc nước uống trong ngày.
- Chữa cảm mạo: Sử dụng cành lá nữ lang tươi 15g, gừng tươi 3g; sắc nước uống.
- Chữa đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy: Sử dụng rễ cây nữ lang, xương bồ, mỗi thứ 6-12g; sắc lấy nước, sau đó pha thêm chút rượu trắng vào, chia uống 3-4 lần trong ngày.
- Chữa đau dạ dày co thắt, sốt cao hoảng hốt: Nữ lang sấy khô, tán mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần uống từ 3-4g bột thuốc, chiêu bằng nước đun sôi.
- Chữa viêm dạ dày mạn tính: Sử dụng 15g phần rễ củ của cây nữ lang, sa nhân 10g, trần bì 15g, bạch truật 15g; sắc nước uống trong ngày.
3. Cây nữ lang dùng được cho những trường hợp nào?
Tuy có rất nhiều công dụng điều trị bệnh, nhưng cây nữ lang thường được sử dụng trong những trường hợp sau đây:
- Người bị mất ngủ, dùng được cho cả trẻ nhỏ.
- Người mắc bệnh động kinh, co giật.
- Người mắc bệnh viêm dạ dày.
- Người bị các chứng bệnh tim mạch.
Qua bài viết trên, hẳn bạn đã hiểu được cây nữ lang có tác dụng gì? Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh các tác dụng phụ không mong muốn thì người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, các lương y lành nghề trước khi sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.