Cây sâm nam có tác dụng gì?

Cây sâm nam có tác dụng gì?

Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây sâm nam có tác dụng gì? cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.

Cây nam sâm (sâm nam) là một vị thuốc quý, có tác dụng tăng lực, chống lạnh, kích thích thần kinh,… Vì vậy, cây thuốc này đã được sử dụng trong nhiều bài thuốc Y Học Cổ Truyền để bồi bổ sức khỏe, điều trị nhiều bệnh lý khác nhau.

1. Mô tả cây sâm nam

Cây sâm nam còn gọi là cây nam sâm, cây lằng, kotan, ngũ chỉ thông, cây chân chim, nga chưởng sài, áp cước mộc, ngũ gia bì chân chim, ngũ gia bì bảy lá,… Tên khoa học của cây sâm nam là Schefflera heptaphylla (L.) Frodin, thuộc họ ngũ gia bì (Araliaceae).

Đây là một cây thuốc quý, có có thể cao từ 2 – 8m, lá kép hình chân vịt, mọc so le với 6 – 8 lá chét, hình trứng, đầu nhọn hoặc hơi tù, dài từ 7 – 17cm, rộng từ 3 – 6cm. Hoa sâm nam nhỏ màu trắng, cánh hoa và nhị hoa thường là 5. Quả mọng, hình cầu với đường kính 3 – 4mm, khi chín sẽ có màu tím sẫm, bên trong có 6 – 8 hạt. Mùa hoa sâm nam vào tháng 2 – 3; mùa quả vào tháng 4 – 5.

Cây sâm nam thường mọc ở độ cao khoảng 100 – 2100m so với mực nước biển. Cây phân bố ở các tỉnh miền nam Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Hồ Nam, Chiết Giang,… và Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia, Ấn Độ, Nhật Bản,… Cây cũng mọc rải rác ở Việt Nam, nhiều nhất tại các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Nam,…

Cây nam sâm sử dụng vỏ thân, vỏ rễ, rễ và lá cây để làm thuốc. Về việc thu hoạch, vỏ thân và vỏ cành của cây sâm nam thu hái quanh năm, chủ yếu là vào mùa xuân và mùa thu. Khi trời khô ráo, bóc lấy vỏ cây theo kích thước quy định rồi rửa sạch, bỏ lõi, cạo lớp bần bên ngoài bỏ đi, phơi trong bóng râm và ủ với lá chuối trong 7 ngày (thỉnh thoảng đảo đều để nổi mùi hương) rồi lấy ra phơi hoặc sấy với mức nhiệt 50 – 60°C cho khô. Lá cây thu hái quanh năm, đem rửa sạch rồi thái nhỏ, phơi khô.

Dược liệu sâm nam là mảnh vỏ hơi cong hình máng, rộng 3 – 10cm, dài 20 – 50cm, dày từ 0,3 – 1cm. Vỏ cây nhẹ và giòn, mùi thơm nhẹ và vị hơi đắng. Rễ cây đào về rửa sạch, bóc lấy vỏ hoặc thái mỏng nếu rễ nhỏ, đem phơi hoặc sấy khô. Nên bảo quản cây ở nơi khô ráo, tránh mốc mọt.

Cây nam sâm
Cây nam sâm sử dụng vỏ thân, vỏ rễ, rễ và lá cây để làm thuốc

2. Cây sâm nam có tác dụng gì?

Vỏ thân của cây chứa tanin, saponin và tinh dầu. Lá cây chứa tinh dầu và các saponin. Dịch chiết từ vỏ cây có tác dụng tăng lực, kích thích thần kinh, chống lạnh và hạ đường huyết. Củ sâm nam có tác dụng tương tự nhân sâm như: Bổ gan, chống stress, tăng lực, hạ đường huyết, cải thiện miễn dịch,… Một nghiên cứu vào năm 2015 cũng chứng minh nam sâm có khả năng chống ung thư, viêm khớp dạng thấp nhờ tác dụng của Triterpenoids (thu được từ phân đoạn CHCl3 của cây nam sâm).

Vị thuốc sâm nam có vị đắng, chát, tính mát, mùi thơm nhẹ. Tác dụng của cây gồm: Giải nhiệt, làm ra mồ hôi, kháng viêm, tiêu sưng, làm tan máu ứ; làm vị thuốc bồi bổ cho cơ thể; điều trị cảm sốt và trừ phong thấp. Cây nam sâm được sử dụng để điều trị bệnh phong thấp, đau xương và tê bại chân tay; trị lở ngứa, eczema; trị phù thũng, vết thương sưng đau.

Về liều dùng và cách dùng: Dùng vỏ thân 10 – 20g hoặc vỏ rễ 6 – 12g làm thuốc sắc. Rễ cây dùng pha hoặc sắc lấy nước uống, có thể phối hợp cùng các vị thuốc khác. Lá cây đem đun sôi lấy nước để rửa, tắm. Ngoài ra, người ta cũng dùng vỏ cây nam sâm để chế dạng rượu ngọt. Lá sâm nam thường được phơi khô, nấu canh ăn (rau lằng) có tác dụng giải nhiệt, kích thích tiêu hóa.

3. Ứng dụng cây sâm nam trong các bài thuốc đông y

Cây sâm nam được sử dụng trong một số bài thuốc đông y gồm:

  • Trị sổ mũi, đau họng: 15g rễ sâm nam + 35g cúc hoa vàng (toàn cây), đem sắc uống;
  • Giải độc lá ngón hoặc say sắn: Vỏ cây sâm nam giã nát, sắc lấy nước uống;
  • Trị phong thấp đau nhức xương: 180g vỏ rễ cây sâm nam ngâm với 500ml rượu, uống 2 lần/ngày, mỗi lần uống 40ml;
  • Trị bệnh cước khí, sưng đau chân: 8 – 16g sâm nam + 8 – 16g lõi thông + 8 – 16g hạt cau + 8 – 16g hương phụ + 8 – 16g tử tô + 8 – 16g chỉ xác + 8 – 16g ké đầu ngựa, đem sắc uống;
  • Trị chấn thương: Lấy sâm nam tươi, giã nát rồi lấy 1 miếng vải thấm nước, đắp lên vị trí bị chấn thương;
  • Trị sưng thũng do chấn thương: 1.920g lá sâm nam + 640g táo ba chi (lá), đem tán bột. Sau đó, bạn dùng nước vo gạo đun sôi, trộn với thuốc bột, vo thành các viên 4g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên hoặc dùng thuốc để đắp ngoài vị trí bị chấn thương;
  • Trị huyết áp thấp: Đem tán sâm nam thành bột, vo thành viên, ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 5 viên, 1 liệu trình là 20 ngày;
  • Trị cảm sốt ra nhiều mồ hôi, người mệt mỏi: 40g sâm nam + 40g mẫu đơn bì + 40g đương quy + 40g xích thược, đem sao vàng, tán nhỏ, ngày uống 2 lần, mỗi lần dùng 4g;
  • Làm thuốc bổ, thông tiểu tiện: Đào rễ cây sâm nam về rửa sạch, thái mỏng đem phơi khô hoặc sắc nước uống, liều dùng 6 – 11g/lần.

*Lưu ý: Không dùng sâm nam cho phụ nữ có thai.

Cây nam sâm là một loại dược liệu, sử dụng được vỏ thân, vỏ rễ và lá để điều trị cảm sốt, đau nhức xương khớp, giải độc,… Trước khi sử dụng vị thuốc này, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ Y Học Cổ Truyền để đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.