Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Chữa viêm bàng quang bằng đông y cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Thị Ái Vân – Bác sĩ Y Học Cổ Truyền – Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec – Sao Phương Đông
Có nhiều cách chữa trị viêm bàng quang. Trong đó, dân gian nhiều người lựa chọn chữa viêm bàng quang bằng đông y và thấy được một số hiệu quả nhất định.
1. Bệnh viêm bàng quang trong đông y được hiểu như thế nào?
Theo ghi chép từ đông y, bệnh viêm bàng quang và các bệnh ở đường tiết niệu được đưa vào nhóm bệnh gây ra do tỳ hư, thấp nhiệt. Trong đó, Y Học Cổ Truyền xếp viêm bàng quang vào chứng lâm. Nếu bệnh tồn tại lâu dài có thể dẫn tới tình trạng mạn tính.
Đông y chia bệnh viêm bàng quang thành các thể sau:
- Nhiệt lâm: Bệnh nhân có biểu hiện tiểu rắt, nóng rát vùng kín, sốt cao, mạch hoạt sác hoặc hồng sác, nước tiểu màu đục, mùi khai nồng, màu lưỡi lúc đỏ lúc nhợt nhạt, đau vùng hạ vị,…;
- Huyết lâm: Người bệnh có triệu chứng tiểu khó, đau rát khi đi tiểu, viêm đường tiểu, có máu trong nước tiểu. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể gặp những triệu chứng không phổ biến như lưỡi chấm đỏ (như bị ứ huyết), sốt, mạch nhu sác hoặc hoạt sác;
- Lao lâm: Bệnh nhân có triệu chứng cơ thể mệt mỏi, đau âm ỉ 2 bên thắt lưng, nước tiểu ra lắt nhắt, thường xuyên buồn tiểu, tiểu xong vẫn đau ngầm vùng hạ bộ, tiểu đục, mạch tế sác vô lực,…
Để điều trị bệnh thì các lương y sẽ áp dụng phương pháp thanh trừ thấp nhiệt và lợi tiểu. Có thể điều trị bằng các vị thuốc đông y đơn thuần. Nếu bệnh nhân bị sốt cao, tiểu ra máu thì cần điều trị kết hợp với các loại kháng sinh. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần dùng các bài thuốc nam để phòng ngừa bệnh tái phát và loại bỏ những nguyên nhân gây bệnh.
2. Chữa viêm bàng quang bằng đông y như thế nào?
2.1 Điều trị viêm bàng quang cấp tính và mạn tính
Áp dụng các bài thuốc đông y chữa viêm bàng quang là sử dụng các phương thuốc từ thảo dược đã qua sơ chế, phơi khô hoặc sao vàng để sắc thành thuốc. Thuốc đông y thường lành tính, ít gây tác dụng phụ và được kê theo từng thể viêm. Trong đó, viêm bàng quang cấp tính và viêm bàng quang mạn tính sẽ được điều trị theo các cách khác nhau:
- Viêm bàng quang cấp tính: Theo đông y, viêm bàng quang cấp tính thường do thấp nhiệt với các biểu hiện như đau tức vùng dạ vị, tiểu buốt, tiểu rắt kèm máu. Bệnh nhân có thể bị sốt cao, lưỡi có rêu vàng. Người bệnh được kê các bài thuốc thanh nhiệt lợi thấp, thông lâm. Khi cần thiết, bệnh nhân cũng có thể được châm cứu kích thích lưu thông mạch máu. Có thể châm cứu tại các huyệt quan nguyên, khí hải, khúc cốt, trung cực, thận du, thái khê, tam âm giao. Thời gian điều trị thường kéo dài khoảng 10 – 15 ngày;
- Viêm bàng quang mạn tính: Nguyên nhân gây bệnh có thể là do âm hư, thận âm hư hoặc kết hợp với thấp nhiệt. Bệnh nhân có những dấu hiệu đặc trưng như cơn đau nhói vùng hạ vị, tiểu rắt, tiểu tiện nhiều lần, tức ngực, đau mỏi lưng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng, mạch tế sác,… Chữa viêm bàng quang mạn tính bằng đông y cần thời gian lâu dài vì bệnh nhân được trị liệu kết hợp củng cố chức năng thận, thông lâm, thanh nhiệt trừ thấp. Người bệnh cũng được châm cứu tại các huyệt như thận du, tam âm giao, trung cực, bàng quang du với thời gian trị liệu kéo dài khoảng 2 tuần.
2.2 Thuốc đông y trị viêm bàng quang theo từng thể bệnh
Việc điều trị viêm bàng quang theo từng thể bệnh như sau:
Nhiệt lâm
Bệnh nhân mắc viêm bàng quang thể nhiệt lâm cần ưu tiên điều trị theo hướng thanh nhiệt lợi thấp. Mục tiêu điều trị là hạ sốt với các loại dược liệu chính gồm cam thảo, hoạt thạch, mộc thông, cù mạch, biển súc hay xa tiền tử – các bài thuốc giúp kháng khuẩn.
Bài thuốc sử dụng: 12g hoạt thạch, 12g cù mạch, 12g biển súc, 12g chi tử, 8g mộc thông, 12g xa tiền tử, 8g đại hoàng, 8g cam thảo bắc. Bệnh nhân rửa sạch các dược liệu, sắc với 1 lít nước, đun sôi tới khi nước thuốc còn lại 1 nửa thì lọc lấy nước. Dùng thuốc 2 lần/ngày trước bữa ăn. .
Huyết lâm
Người bệnh viêm bàng quang thể huyết lâm cần được điều trị theo hướng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, chỉ huyết. Ưu tiên sử dụng các dược liệu như hoạt thạch, sinh địa để hạ sốt; lợi tiểu bằng mộc thông, đạm trúc diệp; ngẫu tiết, bồ hoàng, tiểu kế, chi tử và trắc bá diệp để cầm máu.
Bài thuốc sử dụng: 40g sinh địa, 30g ngẫu tiết, 20g đương quy, 20g bồ hoàng sao, 20g tiểu kế, 20g trắc bá, 12g hoạt thạch, 12g mộc thông, 12g đạm trúc diệp, 12g chi tử. Bệnh nhân rửa sạch các vị thuốc với nước, sắc với khoảng 1 lít nước. Đun tới khi hỗn hợp nước sắc và thuốc còn khoảng 2/3 ấm thì tắt bếp, lọc lấy nước. Nên dùng thuốc 1 lần/ngày cho tới khi triệu chứng cải thiện thì ngừng.
Lao lâm
Thể lao lâm gây viêm bàng quang là thể bệnh nguy hiểm, gần được theo dõi chặt chẽ. Bệnh nhân được điều trị theo hướng tư âm, thanh nhiệt và trừ thấp để kháng viêm, hạ sốt và lợi iểu nhờ các vị thuốc như trạch tả, phục linh, đơn bì, tri mẫu và hoàng bá.
Bài thuốc sử dụng: 40g thục địa, 20g đơn bì, 16g hoài sơn, 8g trạch tả, 16g sơn thù, 12g phục linh, 20g hoàng bá, 20g tri mẫu, 20g kim ngân, 20g liên kiều. Bệnh nhân đem các nguyên liệu trên sắc với nước từ 800 – 1000ml, sắc trong khoảng 30 phút – 60 phút rồi lọc lấy phần nước. Dùng thuốc 1 lần/ngày sau khi ăn, áp dụng trong khoảng 10 – 15 ngày.
2.3 Chữa viêm bàng quang bằng đông y với các bài thuốc cải thiện triệu chứng
Với những bệnh nhân chỉ bị viêm bàng quang nhẹ thì có thể sử dụng thuốc đông y để giảm triệu chứng khó chịu. Bệnh nhân viêm bàng quang cấp tính nên ưu tiên các bài thuốc thanh nhiệt, trừ thấp, lợi niệu. Người bệnh viêm bàng quang mạn tính cần chú ý tư âm, dưỡng thận, thanh nhiệt.
Các bài thuốc thường được sử dụng để điều trị viêm bàng quang gồm:
- Bài 1: 100g râu ngô, 50g rau má, 50g mã đề, 50g ý dĩ, 40g sài đất. Cho các dược liệu trên vào ấm thuốc, đổ vào 500ml nước, sắc còn 250ml nước. Chia 2 lần uống/ngày, uống liền trong 2 – 3 tuần;
- Bài 2: 60g diếp cá tươi (hoặc 20g diếp cá khô), 30g kim tiền thảo, 15g hạt mã đề. Cho các dược liệu trên vào ấm thuốc, đổ vào 500ml nước, sắc còn 250ml nước. Chia 2 lần uống/ngày, 10 ngày 1 liệu trình;
- Bài 3: 5g rễ đậu biếc, 10g rễ cỏ tranh, 15g rau má, 5g rau diếp cá. Cho các dược liệu trên vào ấm thuốc, đổ vào 700ml nước, sắc còn 250ml. Chia 2 lần uống/ngày, trong 3 – 5 ngày liên tiếp;
- Bài 4: 45g ngải cứu cả rễ, 10g mật ong, 15g cỏ seo gà, 15g rễ cỏ tranh. Bạn đem trộn đều ngải cứu, rễ cỏ tranh và cỏ seo gà với nhau, đổ nước vừa đủ, đun sôi trong khoảng 15 – 20 phút thì lấy nước hòa thêm mật ong rồi uống nóng. Uống 2 lần/ngày trước bữa ăn, dùng trong 1 tuần liền;
- Bài 5: 15g rễ ngọc lan hoa trắng, 20g râu ngô, 10g rau diếp cá. Bạn cho tất cả các dược liệu này vào ấm thuốc, đổ vào 400ml nước, sắc còn 250ml nước. Chia uống 2 lần/ngày, trong 7 ngày liên tiếp;
- Bài 6: 15g biển súc, 10g mã đề, 8g hoạt thạch, 6g mộc thông. Cho các dược liệu trên vào ấm thuốc, đổ vào 500ml nước, sắc tới khi còn 250ml. Chia uống 2 lần/ngày, cứ 5 ngày là 1 liệu trình;
- Bài 7: Cho 15g liên kiều vào ấm thuốc, đổ vào 3 bát nước, sắc cho tới khi nước thuốc còn 1 bát, uống 2 lần/ngày hoặc tán thành bột để uống hằng ngày;
- Bài 8: 30g sài đất tươi, 20g mã đề, 20g bồ công anh, 16g sài đất. Cho các dược liệu trên vào ấm thuốc, đổ vào 500ml nước, sắc còn 250ml nước. Chia uống 2 lần/ngày, cứ 7 ngày là 1 liệu trình;
- Bài 9: 10g rau má, 20g bồ công anh, 16g mã đề, 12g thài lài tía, 12g chi tử, 12g râu ngô, 12g mộc thông, 12g cam thảo dây. Cho các dược liệu trên vào ấm thuốc, đổ vào 700ml nước, sắc còn 300ml. Chia uống 2 lần/ngày, cứ 5 ngày là 1 liệu trình;
- Bài 10: 15g râu ngô, 10g rễ cỏ tranh, 10g rau má, 15g hoa súng, 10g diếp cá. Cho các dược liệu trên vào ấm thuốc, đổ vào 500ml nước sắc còn 250ml. Chia uống 2 lần/ngày, cứ 5 ngày là 1 liệu trình.
Để các bài thuốc trên hiệu quả với bệnh nhân (theo cơ địa, mức độ bệnh), các lương y có thể gia giảm các vị thuốc cho phù hợp. Do đó, khi lựa chọn chữa viêm bàng quang bằng đông y, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của các lương y uy tín, giàu kinh nghiệm để nhận được sự tư vấn tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.