Độc tính và công dụng cây ba đậu

Độc tính và công dụng cây ba đậu

Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Độc tính và công dụng cây ba đậu cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.

Cây ba đậu là một loại dược liệu được sử dụng trong y học cổ truyền nhưng lại chứa hàm lượng độc tố rất cao. Chính vì thế khi sử dụng vị thuốc từ cây ba đậu bạn cần hết sức thận trọng để tránh bị ngộ độc.

1. Cây ba đậu là cây gì?

Cây ba đậu là một loại cây gỗ nhỡ có chiều cao khoảng 3 – 6m, cành nhẵn. Lá cây ba đậu mọc so le nhau, có hình trứng với phần đầu lá nhọn. Lá dài khoảng 6 – 8cm, rộng khoảng 4 – 5cm, mép lá có răng cưa nhỏ, phần cuống lá nhỏ và chỉ dài 1 – 2cm.

Hoa cây ba đậu mọc thành từng chùm ở đầu cành dài khoảng 10 – 20cm. hoa đực mọc ở đỉnh, hoa cái ở phía dưới. Quả ba đậu có màu vàng nhạt, mặt ngoài nhẵn, khi chín tách ra sẽ có 3 mảnh vỏ. Hạt ba đậu có hình trứng dài khoảng 10mm, rộng 4 – 6mm, có vỏ cứng, màu nâu xám.

cây ba đậu
Đặc điểm nhận dạng cây ba đậu

2. Cây ba đậu có tác dụng gì?

Các bộ phận được sử dụng làm thuốc của cây ba đậu gồm có:

  • Hạt của cây ba đậu là bộ phận phổ biến nhất được dùng để làm thuốc.
  • Ngoài ra, rễ và lá cây ba đậu cũng được dùng nhưng ít phổ biến hơn.

Một số cách bào chế làm giảm độc tính của vị thuốc ba đậu:

  • Lấy hạt ba đậu giã nát, cho thêm dầu mè và rượu với tỷ lệ 1:1, nấu cho cạn khô, nghiền nát như cao.
  • Bóc bỏ vỏ ngoài lấy phần nhân hạt, lấy giấy bản gói kín lại, nghiền nát để cho dầu ngấm hết ra giấy, phần bã còn lại gọi là Ba đậu sương.
  • Hạt ba đậu bỏ vỏ, giã nát, quấn giấy bản, ép cho ra dầu, thay giấy bản khác cho đến khi dầu không thấm ra nữa thì thôi, sau đó đem sao qua cho vàng, nếu sao đen gọi là Hắc ba đậu.

Chú ý: Khi bào chế vị thuốc ba đậu phải bảo vệ mắt và tay vì dầu ba đậu rất nóng, gây rộp da.

Trong vị thuốc ba đậu có các hoạt chất sau:

  • Stearin
  • Palmatin
  • Glyceride colonic
  • Tiglic
  • Protein
  • Phenolic
  • Croitin
  • Alcaloid

Theo Y Học Cổ Truyền, vị thuốc ba đậu có vị cay, tính nóng và có độc, đi vào vị và đại tràng.

Vị thuốc ba đậu có tác dụng ôn trung trừ hàn, phá tích, trục đờm, khu phong, hành thủy, tiêu thũng. Vị thuốc ba đậu được sử dụng trong điều trị các chứng đầy chướng bụng, đau tức ngực, sốt rét, tắc nghẽn ruột, thấp khớp dạng thống phong, rắn cắn…

Theo y học hiện đại vị thuốc ba đậu có tác dụng:

  • Nước sắc từ vị thuốc ba đậu có tác dụng ức chế mạnh trực khuẩn, tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh.
  • Vị thuốc ba đậu khi dùng với liều rất nhỏ sẽ thấy tác dụng giảm đau.

Phần hạt ba đậu thường được dùng dưới dạng ba đậu sương chế thành cao hay làm hoàn cùng với các vị thuốc khác với liều lượng 0,01 – 0,05g/ngày.

Còn phần rễ cây ba đậu có thể được dùng với liều từ khoảng 3 – 10g/ngày. Riêng lá cây ba đậu có thể dùng tươi giã đắp hay tán thành bột để sát trùng.

cây ba đậu
Hạt cây ba đậu được sử dụng trong một số bài thuốc đông y

3. Một số bài thuốc từ cây ba đậu

  • Điều trị chứng bụng căng đầy, ngực đau, đại tiện không thông: Sử dụng 2 hạt ba đậu, bỏ nhân và vỏ, rang vàng; 2 hạt hạnh nhân, bọc vải, đập dập. Trộn hai vị thuốc trên với 1 chén nước nóng, lấy nước uống, nếu đi tiêu được thì thôi không uống nữa.
  • Điều trị chứng hàn tích, ăn không tiêu, đại tiện bí: Sử dụng 1 chén ba đậu, 5 chén rượu, đem nấu nhỏ lửa 3 ngày 3 đêm cho đến khi khô, sau đó làm viên to bằng hạt đậu. Mỗi lần uống 1 viên cùng với nước, nếu cần có thể cho uống 2 viên.
  • Điều trị chứng tích trệ: Sử dụng hạt ba đậu 40g, hoàng bá 120g, cáp phấn 80g, tán bột, trộn với nước làm thành viên hoàn to bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 5 viên hoàn cùng với nước.
  • Điều trị lở ngứa, hắc lào: Dùng 3 hạt ba đậu, để nguyên dầu, giã nát, lấy vải mềm bọc lại, xát vào vùng bị bệnh, ngày làm từ 2 – 3 lần.
  • Ba đậu chữa bệnh viêm niêm mạc dạ dày cấp tính, đau bụng: Sử dụng 1g ba đậu sương, bối mẫu 3g, cát cánh 3g đem tán bột trộn đều. Mỗi lần dùng 0,2g, chiêu với nước ấm uống.

4. Lưu ý khi sử dụng cây ba đậu để chữa bệnh

Không sử dụng vị thuốc ba đậu cho:

  • Người bị bệnh thực nhiệt, táo bón.
  • Phụ nữ có thai

Tuyệt đối không sử dụng quá nhiều vị thuốc ba đậu vì nó có độc nên có thể gây ngộ độc. Khi có các triệu chứng ngộ độc bạn cần nhanh chóng dùng đậu xanh, đậu đen, đậu đũa hay hoàng liên sắc lấy nước uống để giải độc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.