Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Dược liệu phá cố chỉ có tác dụng gì? cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Phá cố chỉ là một loại dược liệu quý được trồng nhiều ở một số tỉnh nước ta. Theo dân gian, phá cố chỉ có tác dụng chữa một số bệnh lý nên dược liệu này có mặt trong một số bài thuốc Y Học Cổ Truyền. Vậy phá cố chỉ có tác dụng gì? Bạn hãy tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây.
1. Phá cố chỉ là cây gì?
Phá cố chỉ còn được biết đến với tên gọi là Bổ cốt chi hay Đậu miêu. Phá cổ chỉ là loại cây thuộc họ Đậu, có tên khoa học là Cullen corylifolium (L.) Medik. Đây là loại cây nhỏ, cao khoảng 0,3-1m, mọc hằng năm. Trên thân cây được bao trùm bởi lông nhỏ màu trắng. Lá cây có hình trứng, đáy lá tròn, mép có răng cưa, mọc so le nhau. Hoa phá cố chỉ mọc thành chùm dài khoảng 6-10cm ở kẽ lá. Quả có hình trứng màu đen, kích thước chiều dài khoảng 5mm, rộng 3mm. Hạt có màu đen hoặc nâu, hình trứng dẹt hay hình thận. Trên bề mặt hạt, có vân hình những hạt nhỏ giữa hơi lõm.
Phá cố chỉ có nguồn gốc từ Ấn Độ, có mọc ở Việt Nam nhưng ít được khai thác. Gần đây, người ta di thực từ Trung Quốc và được trồng nhiều ở một số tỉnh nước ta. Gieo hạt vào mùa xuân, mỗi hạt gieo cách nhau 10-30cm, phủ ít đất lên. Sau khoảng nửa tháng, cây mọc khỏe. Mùa thu quả đã chín sẽ hái về phơi khô, đập để lấy hạt, sảy sạch vỏ và đất cát. Khi sử dụng, có thể để nguyên hoặc sao hay tẩm muối rồi mới sao khô.
Trong hạt phá cố chỉ chứa khoảng 20% chất dầu, một ít tinh dầu trong đó có isopsoralen (angelixin), psoralen, ancaloit, glucozit và 9,2% chất nhựa. Tinh dầu có tác dụng đối với vi trùng streptococcus trên da, dùng chữa bệnh bạch biến, vì nó kích thích sự bài tiết các sắc tố đen. Ngoài ra, phá cố chỉ làm tim co bóp mạnh hơn, tăng lưu lượng máu đối với động mạch vành tim và các vi huyết quản; có tác dụng ức chế với liên cầu khuẩn, tụ cầu vàng, Staphylococcus, trực khuẩn lao và các virus thường gặp.
2. Phá cố chỉ có tác dụng gì?
Phá cố chỉ là loại dược liệu có vị cay, đắng, tính đại ôn. Trong dân gian, loại dược liệu này có tác dụng như một loại thuốc bổ dùng cho người già yếu, đau lưng, mỏi gối, tiểu tiện nhiều, hoạt tinh. Phụ nữ dùng dược liệu này để chữa khí hư, kinh nguyệt không đều. Bộ phận dùng làm thuốc của dược liệu này là hạt, sau khi phơi khô có thể dùng sống hoặc chế biến bằng một số cách như sao, chích muối, chích rượu.
- Phá cố chỉ sao: lấy hạt dược liệu sao nhỏ lửa đến khi vàng, có mùi thơm.
- Phá cố chỉ chích muối: cho 10kg phá cố chỉ vào 0,2 kg nước muối trộn đều. Để khoảng một giờ cho hạt dược liệu ngậm hết nước muối rồi sao nhỏ lửa cho phồng. Có thể ngâm hạt dược liệu phá cố chỉ này với rượu rồi nước trong 12 giờ trước khi cho ngậm nước muối. Sau đó, vớt ra, phơi đến khi khô mới tẩm muối.
- Phá cố chỉ chích rượu: ngâm 10kg dược liệu này trong 2 lít rượu, để khoảng 1 giờ cho hút hết rượu rồi sao lửa nhỏ đến khi có mùi thơm.
3. Một số bài thuốc chữa bệnh từ phá cố chỉ
Nhờ vào tác dụng của phá cố chỉ mà người ta đã chế tạo các bài thuốc dân gian chữa một số bệnh như viêm phế quản, bạch biến, di tinh,… Dưới đây là một số bài thuốc từ phá cố chỉ bạn nên tham khảo.
3.1 Bài thuốc chữa viêm phế quản mạn tính, tức ngực, khó thở
- Chuẩn bị: phá cố chỉ, thỏ ty tử, hồ đào nhục, nhũ hương, trầm hương, một dược mỗi vị 6g cùng mật ong
- Chế hoàn hoặc sắc uống trong ngày.
3.2 Bài thuốc chữa bệnh bạch biến
- Hạt phá cố chỉ giã hay đập dập, cho thêm một lượng cồn etylic 30 độ, ngâm từ 3- 4 tuần. Lấy dịch chấm vào vùng da bị bệnh.
3.3 Bài thuốc trị tiểu tiện nhiều lần
- Chuẩn bị: phá cố chỉ (chích muối), đồng lượng, tiểu hồi vi sao. Tán tất cả các dược liệu thành hỗn hợp bột mịn.
- Uống 2 lần/ngày, mỗi lần 3-5 g, uống trước bữa ăn 1 giờ.
3.4 Bài thuốc trị không tự chủ được tiểu tiện
- Chuẩn bị: phá cố chỉ (chích muối), thục địa, kim anh, khiếm thực, ngưu tất mỗi vị 12g; phục linh, trạch tả, phụ tử chế, tang phiêu tiêu mỗi vị 8g; 16g hoài sơn; 4g nhục quế.
- Sắc uống 1 thang/ngày, chia 3 lần, uống sau bữa ăn 1,5-2 giờ. Có thể dùng dược liệu phá cố chỉ trị đái dầm bằng cách, sau khi chích muối, đem tán bột mịn, uống 2 lần/ngày, mỗi lần 3-5g.
3.5 Trị liệt dương, di tinh, tiểu tiện không tự chủ, đau lưng gối đau
- Chuẩn bị: 12g phá cố chỉ (chích muối); hồ đào nhục (nhân hạt óc chó), ba kích, đương quy, thục địa, đều chích rượu, mỗi vị 10g; nhục quế, tiểu hồi, mỗi vị 6g.
- Các vị được tán bột mịn, uống 20g/ngày, chia thành 3 lần. Có thể ngâm rượu uống hoặc sắc lên uống.
3.6 Trị tiêu chảy mạn tính
- Chuẩn bị: phá cố chỉ, hoài sơn, sâm bố chính, tục đoạn, mỗi vị 12g; nhục quế, trần bì, can khương, nam mộc hương, sa nhân, mỗi vị 8g.
- Tán các vị thành bột mịn, uống 20g/ngày chia 2-3 lần, uống trước bữa ăn 1 giờ.
3.7 Trị thiếu máu nguyên nhân do tủy xương
- Chuẩn bị: phá cố chỉ, hà thủ ô đỏ (chế), hoàng tinh, thỏ ty tử, đảng sâm, lộc giác mỗi vị 20g; phục linh, đương quy, đại táo mỗi vị 12g; 4g lộc nhung.
- Sắc uống 1 thang/ngày, chia 3 lần, sau bữa ăn 1,5-2 giờ.
3.8 Trị chứng giảm bạch cầu
- Chuẩn bị phá cố chỉ sao vàng có mùi thơm, tán thành bột mịn, uống 3g/ngày hoặc luyện mật làm hoàn, uống lượng tương đương với 3g bột mịn.
4. Một số lưu ý khi sử dụng phá cố chỉ
Những người viêm loét dạ dày, viêm đường tiêu hóa không nên dùng phá cố chỉ, vì dược liệu này có tác dụng hoạt huyết sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh, đặc biệt các trường hợp có nguy cơ xuất huyết, trĩ xuất huyết, rong kinh, băng huyết ở phụ nữ.
Khi sử dụng bôi ngoài, cũng không nên dùng dung dịch quá đặc hoặc bôi quá nhiều lần trong ngày, đề phòng trường hợp rộp da.
Trên đây là những thông tin hữu ích về dược liệu phá cố chỉ. Bạn có thể tham khảo một số bài thuốc từ dược liệu này trên để trị một số bệnh như bạch biến, di tinh, tiểu tiện không tự chủ,…Tuy nhiên, trước khi sử dụng dược liệu này, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thể đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.