Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Tác dụng của cây chìa vôi cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Cây chìa vôi là loài cây quen thuộc ở vùng thôn quê nước ta và thường được người dân ứng dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, đặc biệt là khả năng giảm sưng, giảm đau rất hiệu quả. Vậy theo y học, cây chìa vôi chữa được bệnh gì?
1. Vài nét về vị thuốc từ cây chìa vôi
Cây chìa vôi còn có tên gọi khác là bạch liễm, bạch phấn đằng… Tên khoa học của dược liệu cây chìa vôi là Cissus modeccoides Planch vớ họ khoa học là họ Nho – Vitaceae.
Chi Cissus L. của cây chìa vôi có đặc điểm phân bố ở vùng nhiệt đới, thường gặp ở một số tỉnh phía nam Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một số nước thuộc khí hậu nhiệt đới khác. Có 14 loài cây chìa vôi được tìm thấy ở Việt Nam, trong đó có 8 loài chìa vôi được dùng làm thuốc.
Cây chìa vôi được phân bố rải rác ở hầu hết các tỉnh đồng bằng và các tỉnh trung du nước ta, tuy nhiên ở vùng núi cao ít gặp cây chìa vôi hơn. Cây chìa vôi thường xen mọc lẫn trong các bụi cây khác, các gò đống mọc xung quanh làng ở vùng đồng bằng, cây còn mọc ở ven các đồi cây bụi, mương гẫу ở vùng trung du và khu vực núi thấp.
Cây chìa vôi thuộc loại dây leo, cây rất ưa sáng và có khả năng chịu được hạn hán do đặc điểm toàn cây mọng nước. Cây chìa vôi được bao phủ bởi lớp phấn trắng. Cây có nhiều rễ củ nằm sâu bên dưới mặt đất. Cây chìa vôi ra hoa kết quả hàng năm và có khả năng tái sinh cây con từ hạt rất tốt, vì vậy có thể gieo trồng cây chìa vôi bằng hạt, bằng củ hoặc bằng các đoạn dây từ phần non trên ngọn của cây chìa vôi. Vào tháng 2 – 3 hàng năm, người dân thường dùng một đoạn dây chìa vôi dài khoảng 30 – 50cm, có 3 – 5 mắt hoặc củ con sau đó vùi xuống đất ẩm, sau đó sẽ mọc thành cây. Cây chìa vôi dùng làm thuốc thường được nhân dân khai thác từ nguồn cây mọc hoang dại, tuy vậy cây chìa vôi hiện nay vẫn được nuôi trồng khá rộng rãi.
Cây chìa vôi thường ra hoa vào tháng 4 – 8 và kết quả vào tháng 5 – 10. Dược liệu chìa vôi có thể được thu hái quanh năm, tuy nhiên thời điểm thích hợp nhất để thu hái chìa vôi là vào mùa thu – đông.
2. Dược liệu chìa vôi được sử dụng như thế nào?
Bộ phận dùng làm thuốc của cây chìa vôi là tất cả phần lá, thân, rễ củ với nhiều hình thức sơ chế khác nhau:
- Đối với dây lá chìa vôi: Sau khi thu hái sẽ đem cắt ngắn, dài khoảng 2 – 3cm, sau đó đem đi rửa sạch và sao nóng rồi phơi khô, khi dùng đem ra tẩm với rượu và sao lại hoặc có thể đem đi ngâm trực tiếp với nước vo gạo;
- Đối với phần rễ củ của cây chìa vôi: Sau khi đào phần rễ củ của cây chìa vôi về, chúng ta tiến hành rửa sạch đất cát bên ngoài, sau đó ngâm nước qua đêm để phần rễ củ chìa vôi mềm ra rồi thái mỏng và phơi khô, khi dùng đem rễ ngâm trực tiếp với nước vo gạo.
Dược liệu chìa vôi sau khi đã được sơ chế phơi khô cần được bảo quản ở trong túi kín, để ở những nơi khô ráo, thông thoáng, tránh ẩm thấp, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào dược liệu và chống mối mọt.
3. Tác dụng của cây chìa vôi
Tác dụng cây chìa vôi có được là nhờ vào các hoạt chất bên trong cây, bao gồm:
- Phần ngọn và lá bao gồm 91.3% là nước, 5.4% glucid, 1.4% protid và 1.1% chất xơ 1,1%. Ngoài ra còn có 1.5 mg% caroten, 45mg% vitamin C;
- Thân cây chìa vôi chứa có chứa hợp chất phenolic, các acid amin, saponin, các acid hữu cơ….
3.1. Tác dụng của cây chìa vôi theo quan điểm của Y Học Hiện Đại:
- Phần lá và ngọn cây có thể cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe xương khớp. Đồng thời, những hoạt chất trong ngọn và lá hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp trong bệnh đau lưng, viêm khớp…
- Thân cây chìa vôi có khả năng làm giãn các mạch máu và hạ huyết áp. Bên cạnh đó, tác dụng cây chìa vôi còn bao gồm chống viêm, giảm đau tự nhiên ở những bệnh nhân mắc bệnh xương khớp;
- Cây chìa vôi chữa bệnh gì? Một số nghiên cứu cho thấy loài cây này có tác dụng lợi tiểu, chữa được sỏi thận (chỉ những sỏi nhỏ đường kính không quá 0.5 cm);
- Một thực nghiệm ở chuột cho thấy, dược liệu cây chìa vôi có thể nâng tỷ lệ sống và kéo dài thời gian cầm cự của chuột đối với nọc độc rắn hổ mang.
3.2. Tác dụng của cây chìa vôi theo Y Học Cổ Truyền
- Về mặt tính vị, cây chìa vôi có vị đắng nhẹ, hơi the the và chua, tính mát;
- Tác dụng bao gồm thanh nhiệt, giải độc, chữa sưng tấy, đau lưng, đau xương khớp, tê mỏi tay chân, đau đầu, ung nhọt, bỏng;
- Phần lá chìa vôi có tác dụng tiêu sưng, chữa nhọt độc nên thường sử dụng để chữa ung nhọt, chai chân, lở ngứa;
- Phần củ chìa vôi mang lại tác dụng tán huyết ứ, thông kinh, tiêu độc, lợi tiểu, trừ tê thấp.
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng cây chìa vôi bằng nhiều phương pháp khác nhau. Cách thông thường nhất là sắc lấy nước uống hoặc dùng cây chìa vôi tươi giã nát đắp ngoài da. Liều dùng cụ thể như sau:
- Sắc uống: 6 – 20g;
- Đắp ngoài: Liều không hạn chế.
4. Một số bài thuốc kinh nghiệm từ cây chìa vôi
4.1. Trị phong thấp, đau nhức xương khớp
- Sử dụng 20g cây chìa vôi, 15g dây đau xương, 15g cây lá lốt (gồm cả phần rễ). Đem tất cả sao vàng, hạ thổ và sắc lấy nước thuốc uống trong ngày.
- Hoặc theo cách khác thì sử dụng 40g cây chìa vôi, 20g lá lốt, 20g cỏ xước, 20g cây tầm gửi, 20g cây dền gai. Đem nguyên liệu sắc chung với 1.5 lít nước. Sau đó chia ra uống 3 lần trong ngày, sau ăn khoảng 30 phút. Lưu ý nên uống khi nước thuốc còn ấm, thời gian điều trị ít nhất 1 tháng.
4.2. Chữa bong gân, chữa chấn thương sưng nề, tụ máu với cây chìa vôi
- Chuẩn bị lá chìa vôi và lá thầu dầu tía với số lượng bằng nhau.
- Sau đó đem cả 2 đi giã nát, trộn với giấm hoặc rượu, sao nóng, cuối cùng là đắp và bó kín vào vị trí chấn thương, thay thuốc 1 – 2 lần mỗi ngày.
4.3. Trị ung nhọt sưng tấy, viêm lở da
Chuẩn bị lá cây chìa vôi tươi, đem đi giã nát và đắp lên tổn thương. Ngoài ra nên uống kết hợp với bài thuốc tiêu độc bao gồm thổ phục linh 20g, kim ngân hoa 10g, bồ công anh 10g đem sắc lấy nước uống trong ngày.
4.4. Chìa vôi hỗ trợ điều trị rắn rết cắn
Giã nát lá chìa vôi tươi với muối, sau đó nhai và nuốt dần dần lấy phần nước còn phần bã đắp trực tiếp lên vết cắn.
4.5. Hỗ trợ điều trị sỏi niệu quản
- Chuẩn bị 16g cây chìa vôi, cỏ bợ 50g, kim tiền thảo 30g, rễ dứa dại 30g, cỏ hàn the 30g, ngải cứu 20g, nếu sỏi niệu quản gây đau đớn nhiều cần thêm 12g chỉ xác, sỏi nằm ở vị trí cao thì thêm 12 dược liệu rễ cỏ xước, có triệu chứng đái ra máu nhiều thì thêm 16g cỏ nhọ nồi.
- Đem các nguyên liệu trên sắc chung với 1 lít nước trên lửa nhỏ trong 15 phút.
- Lấy phần nước thuốc chia làm nhiều lần uống trong ngày khi còn ấm, mỗi ngày dùng 1 thang duy nhất.
5. Lưu ý khi sử dụng cây chìa vôi để chữa bệnh
Để sử dụng cây chìa vôi một cách hiệu quả và không để lại tác dụng phụ, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ quy định của bác sĩ. Đối với người bệnh bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong cây chìa vôi cũng chống chỉ định sử dụng dược liệu này. Phụ nữ đang mang thai cũng không được phép kê đơn thuốc. Tùy theo từng bệnh lý mà có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với các vị thuốc khác theo hướng dẫn của bác sĩ Y Học Cổ Truyền. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý dùng cây chìa vôi nếu chưa được thăm khám và kê đơn của thầy thuốc Đông y. Tuyệt đối không dùng theo sự kinh nghiệm truyền miệng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.