Tác dụng của phòng kỷ

Tác dụng của phòng kỷ

Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Tác dụng của phòng kỷ cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.

Phòng kỷ thuộc họ tiết dê có tên khoa học là Stepphania tetrandrae, trong đó phòng có nghĩa là phòng ngừa và kỷ có nghĩa là cho mình. Vì thế, đây là một vị thuốc có tác dụng phòng ngừa bệnh tật cho mình. Vị thuốc này thường được sử dụng trong điều trị các chứng bệnh về đau nhức xương khớp, phù thũng hay tiểu tiện không thông. Tìm hiểu kỹ hơn về tác dụng của phòng kỷ trong bài viết sau đây.

1. Đặc điểm của cây phòng kỷ

Phòng kỷ có tên khoa học là stephania tetrandrae S. Moore, thuộc họ tiết dê. Trong đó phòng có nghĩa là phòng ngừa và kỷ có nghĩa là cho mình. Cây phòng kỷ là cây sống lâu năm, mọc leo, rễ phình có dạng củ, mọc sâu xuống dưới đất, dài khoảng 3-15 cm, đường kính của rễ từ 1-5 cm có màu trắng xám. Thân cây phòng kỷ mềm, dài khoảng 2,5-4 mét. Vỏ thân có màu xanh nhạt nhưng ở gốc màu hơi đỏ. Lá phòng kỷ mọc so le hình tim, dài khoảng 4-6 cm và rộng khoảng 5-6cm, đầu lá nhọn, mép nguyên, hai mặt lá đều có lông, mặt trên của lá có màu xanh và mặt dưới màu tro. Cuống lá phòng kỷ có chiều dài gần bằng chiều dài của lá dính vào phía trong phiến lá. Hoa nhỏ, khác gốc có màu xanh. Quả hạch và hình cầu hơi dẹt. Rễ chắc, cái vàng, với những rễ tốt thì có xuất hiện vân ngang và nếu có màu đen, xốp, có chỗ loét, thái vỡ là xấu.

Cây phòng kỷ mọc nhiều ở khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Hiện nay, cây phòng kỷ chưa thấy trồng ở Việt Nam. Tại Trung Quốc, cây phòng kỷ mọc hoang nhiều ở đồi núi, ven rừng thấp, cỏ rậm ở các tỉnh Triết Giang, Hồ Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Giang Tây và An Huy,… Vào mùa thu hàng năm, sau khi đào rễ phòng kỷ về và loại bỏ tạp chất, cắt bỏ rễ con, có khi cạo bỏ vỏ ngoài, rửa sạch và ngâm nước cho mềm, thái lát dày và phơi khô. Cần bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát và độ ẩm thấp.

2. Tác dụng của phòng kỷ

Trong cây phòng kỷ có chứa các loại alkaloids ví dụ như menisine, menisidine, tetrandrine, cyclanoline, fanchinine, fangchinoline, dimethytetrandrine iodide. Ngoài ra, cây phòng kỷ còn có chứa các loại flavanoids khác. Do vậy, phòng kỷ có tác dụng làm giãn cơ vân. Vị thuốc phòng kỷ có tác dụng đưa huyết áp, độ giãn nở của tim và lưu lượng máu mạch vành trở về bình thường, giảm phì đại thất phải và chống rối loạn nhịp tim, đồng thời giảm kích thước vùng nhồi máu trên chuột. Hiện nay, cây phòng kỷ còn cho thấy có một vai trò trong điều trị ung thư vú, nhờ vào khả năng kháng ung thư bằng cách ngăn cản sự tăng sinh của tế bào, ngăn sự tân tạo mạch máu khối u, kích thích quá trình apoptosis và kháng viêm, chống oxy hóa, tăng độ nhạy cảm và giảm độc tính của xạ trị.

Cây phòng kỷ có tính đắng, vị hàn, quy kinh vào bàng quang, thận, tỳ. Khu phòng thấp, giảm đau, giảm phù và lợi tiểu. Phòng kỷ trị thủy thủng, tiểu tiện không thông, phong thủy cước khí sưng đau, phong thấp, nhọt lở. Tuy nhiên, phòng kỷ là vị thuốc có tính khổ hàn, không nên sử dụng nhiều, tránh tổn thương vị khí. Những người chán ăn và âm hư không có thấp nhiệt thì không nên sử dụng. Ngoài ra, cần lưu ý phân biệt phòng kỷ với các loại quảng phòng kỷ, mộc phòng kỷ, hán trung phòng kỷ. Bởi vì chúng có cùng tên gọi nhưng là loại cây khác nhau và có thể gây độc trên thận.

tác dụng của phòng kỷ
Phòng kỷ có tác dụng làm giãn cơ vân

3. Bài thuốc điều trị bệnh từ phòng kỷ

Một số bài thuốc điều trị bệnh có sử dụng vị thuốc phòng kỷ bao gồm:

  • Trị chứng phong thấp, đau nhức: chứng phong thấp có triệu chứng thấp nhiệt, chân tay đau mỏi, các khớp đỏ sưng đau và thường phối hợp với phòng kỷ, ý dĩ nhân, hoạt thạch, tàm sa, chi tử,…
  • Trị phong hàn thấp và đau nhức: phối hợp các vị thuốc như phòng kỷ, ma hoàng, phục linh và nhục quế trong điều trị phong hàn thấp.
  • Trị phù thủng, báng bụng, phù hai chi dưới, tiểu tiện không thông, cước khí: chuẩn bị các vị thuốc bao gồm phòng kỷ 4-5 gram, bạch truật 3-5 gram, hoàng kỳ 5 gram, sinh khương 3 gram, đại táo 3-4 gram và cam thảo 1,5-2 gram.
  • Trị phù toàn thân và tiểu tiện ngắn: các vị thuốc gồm có phòng kỷ 3 gram, hoàng kỳ 3 gram, phục linh 4-6 gram, quế chi 3 gram và cam thảo 2 gram.
  • Trị bụng báng thấp nhiệt: phòng kỷ 12-20 gram, tiêu mục 4-8 gram, đình lịch tử 12-20 gram và đại hoàng 8-12 gram.

Tóm lại, cây phòng kỷ có tính đắng, vị hàn, quy kinh vào bàng quang, thận, tỳ. Vị thuốc này thường được sử dụng trong điều trị các chứng bệnh về đau nhức xương khớp, phù thũng hay tiểu tiện không thông. Tuy nhiên cũng như nhiều vị thuốc khác, để sử dụng an toàn trước khi dùng vị thuốc phòng kỷ bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ Y Học Cổ Truyền để được tư vấn cũng như có phác đồ điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.