Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Tác dụng sức khỏe của cây A ngùy cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Hồng Chính – Bác sĩ Y Học Cổ Truyền – Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec – Sao Phương Đông
Cây A ngùy, hay còn được biết đến với các tên gọi khác như A ngu, Ẩn triển, Cáp tích nê…, có tên khoa học là Ferula Assafoetida L., thuộc họ Hoa Tán (Umbelliferae). A ngùy là một cây thuốc quý, đã và đang được sử dụng rộng rãi trong Y Học Cổ Truyền.
1. A ngùy là gì?
A ngùy là một loại cây thảo sống lâu năm, cuống lá dẹp bao thân cây, hoa nhỏ màu vàng, lá chẻ, cao khoảng 0,6 – 1m.
Thân cây chứa mủ, mủ sẽ tiết ra ngoài khi rạch lớp vỏ và ngưng kết lại thành những khối hình lớn – nhỏ không đồng đều. Những khối mủ này thường có màu nâu tím, nâu sậm, có khi màu trắng hoặc màu vàng đục.
Những khối mủ này tuy cứng nhưng khi bóp vào thì chúng lại mềm và có tính kết dính như keo, có mùi hôi đặc trưng. Đây cũng chính là dược liệu được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh.
Dược liệu loại tinh sạch, chỗ cắt có màu trắng sữa, mùi nồng, lâu ngày không tan ra là tốt; nếu thành từng khối to có màu nâu xám, trong lẫn tạp chất là kém.
2. Tác dụng sức khỏe của cây a ngùy
A ngùy là một loại thực vật có mùi hôi và vị đắng, thường được sử dụng để điều trị trong các trường hợp sau:
- Các vấn đề về hô hấp bao gồm hen suyễn và viêm phế quản mạn tính.
- Các vấn đề tiêu hoá bao gồm buồn nôn, khí đường ruột, hội chứng ruột kích thích (IBS) và rối loạn đường tiêu hóa dưới.
- Ho gà.
- Giọng khàn.
- Rối loạn thần kinh.
- Co giật.
- Chứng suy nhược thần kinh.
- Phụ nữ có thể sử dụng a ngùy để có lại kinh nguyệt sau khi bị mất kinh nguyệt vì một số lý do.
- A ngùy có thể được thoa trực tiếp lên da để điều trị vết chai.
Trong sản xuất, A ngùy được dùng làm mùi hương trong mỹ phẩm và là một thành phần hương liệu trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống. Ngoài ra, a ngùy cũng được sử dụng trong các sản phẩm có công dụng xua đuổi chó, mèo và động vật hoang dã.
3. Một số bài thuốc Y Học Cổ Truyền từ A ngùy
Trị khí tích, nhục tích, đau hoặc đau lan rộng ra 2 bên hông sườn, đầy trướng ngực bụng, không muốn ăn uống: Mộc hương, Binh lang mỗi loại 20g, Hồ tiêu 10g, A ngùy 20g đem chế với giấm. Làm thành viên hoàn, ngày uống 8 – 12g với nước sắc vỏ gừng sống.
Trị tích tụ, thực ẩm, bỉ khối và khí huyết tích tụ lại:
- Cách 1: Các dược liệu gồm A ngùy, Sơn tra nhục, Nam tinh, Bán hạ, Thần khúc, Hoàng liên, Liên kiều, La bặc tử, Bối mẫu, Qua lâu, Thạch hàm, Phong hoa tiêu, Hồ hoàng liên, Bạch giới tử. Tán bột, tẩm nước gừng, sau đó nấu chín bánh làm thành viên.
Liều dùng mỗi lần: 8g uống với nước nóng. Ăn vài trái Hồ đào sau khi uống thuốc. Bài thuốc này không dùng được cho những người bị suy yếu.
- Cách 2: A ngùy 20g, Bạch giới tử 100g, Bạch truật 120g, Tam lăng 80g, Nga truật 80g; sao khô, sau đó tán bột. Lấy A ngùy chưng với rượu cho chảy ra, hòa cùng thuốc bột đã tán bên trên làm thành viên hoàn.
Liều dùng: Ngày uống 12 – 16g với rượu.
Trị trẻ nhỏ bị thực tích, tiểu đục, bụng đau, bụng to như bụng ếch: A ngùy 20g (tẩm giấm 1 đêm), Hoa kiềm (tán nhuyễn) 12g, Hoàng liên (sao) 20g, Sơn tra nhục 40g, Bán hạ (tẩm nước Tạo giác 1 đêm) 40g, Liên kiều 60g. Tất cả tán bột, trộn với nước hồ Thần khúc làm thành viên hoàn.
Liều dùng: Ngày uống 12 – 16g với nước cơm, lúc đói.
Trị Tỳ tích: A ngùy 2g, Hoàng lạp (nến) 40g, Kê tử hoàng 5 trái đem nấu chung, chia làm 10 lần, uống vào lúc đói. Uống sau 10 ngày đi tiêu ra máu là tích tụ đã tan.
Trị tích khối: A ngùy, Nhũ hương, Một dược, Mang tiêu mỗi loại 80g đem tán bột. Bạch giới tử 120g, Loạn phác (tóc) 80g, Đại hoàng 80g, Xuyên sơn giáp 60g, Độc hoạt 60g, Nhục quế 60g, Mộc miết tử 21 hột (bỏ vỏ). Thêm vào 1.600g dầu mè nấu cùng các loại dược liệu trên cho đến khi thấy dầu bắt đầu có sắc đen, bốc hết mùi thì cho thuốc bột và Hoàng đơn vào nấu đặc thành cao, thành phẩm được dùng để bôi ngoài da.
Trị bỉ khối, nhục tích, ăn không tiêu:Nhân sâm, Nga truật, Quất hồng, Tam lăng, Sa nhân đem nấu, sau đó thêm Xạ hương, Tô hợp, Lưu hoàng tiếp tục nấu thành cao, dùng để bôi.
Trị sốt rét có báng: A ngùy, Xích phục linh, Bạch truật, Xuyên khung, Hồng hoa, Miết giáp tiêm (sao với váng sữa cho dòn), Đại hoàng, bột Kiều mạch. Tán bột, uống với rượu. Sau khi dùng 3 ngày, thấy bụng đau, máu mủ chảy ra là hiệu nghiệm.
Trịsốt rét: A ngùy, Yên chi đều lấy 1 cục to, tán bột. Dùng nước cốt tỏi trộn đều tới khi sền sệt thành cao, bôi lên mặt hột đào. Khi lên cơn sốt rét, đem thuốc dán vào vùng hổ khẩu tay, nữ bên phải, nam bên trái. Khi cơn sốt yên thì đem bỏ thuốc đi.
Trị bụng đau:
- Cách 1: A ngùy nghiền nhỏ, liều dùng từ 4 – 8g uống với rượu nóng (Vĩnh Loại Kiềm phương).
- Cách 2: A ngùy đem nghiền nhỏ. Dùng nửa củ tỏi to bọc thuốc sau đó đem nướng chín, nghiền nhỏ, làm thành hoàn. Liều dùng: ngày uống 2 – 4g với nước sắc Ngải diệp.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.