Tác hại khi lạm dụng atiso

Tác hại khi lạm dụng atiso

Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Tác hại khi lạm dụng atiso cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trương Thị Vân – Bác sĩ Y Học Cổ Truyền – Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec – Sao Phương Đông

Atiso là dược liệu có nhiều công dụng đối với sức khỏe như thải trừ các chất độc trong gan, giảm nồng độ cholesterol máu, giải nhiệt, an thần… Tuy nhiên nếu sử dụng quá nhiều và lạm dụng atiso sẽ gây tác động không tốt đối với sức khỏe.

1. Atiso có tác dụng gì?

Atiso có tên khoa học là Cynara scolymus L. thuộc họ Cúc (Asteraceae), một loại dược liệu có chiều cao từ 1m trở lên, lá và thân lông trắng. Phiến lá có khía sâu và gai, độ rộng lớn, mọc cách. Hoa cây mọc thành cụm hình đầu có màu đỏ tím hoặc tím lơ nhạt. Cụm hoa được bao ngoài bởi lá bắc dày và nhọn.

Atiso là dược liệu có nhiều công dụng đối với sức khỏe, phần lớn các bộ phận trên cây đều được dùng làm thuốc:

  • Lá cây: Thường được thu hái vào 3 giai đoạn gồm năm đầu tiên của thời kỳ sinh trưởng, lúc cây chưa ra hoa và thời điểm trước tết âm lịch một tháng. Sau khi thu hái lá được phơi hoặc sấy khô;
  • Thân và rễ cây: Được dùng làm thuốc trong Y Học Cổ Truyền;
  • Lá bắc và đế hoa có thể ăn được nên thường được dùng làm thức ăn.

Vậy atiso có tác dụng gì? Phần lớn các bộ phận của atiso đều được sử dụng trong đời sống và y học, chính vì vậy đây là loại dược liệu có nhiều công dụng, bao gồm như sau:

  • Thải trừ các chất độc trong gan, giảm các triệu chứng ợ hơi, ợ nóng, ợ chua…
  • Phòng chống xơ vữa động mạch, chống tăng cholesterol máuchứng khó tiêu;
  • Lá atiso vị đắng có công dụng lợi tiểu nên được sử dụng trong điều trị phù, thấp khớp;
  • Hoa atiso có công dụng tăng sự thèm ăn, hỗ trợ quá trình tiêu hóa tốt hơn, điều trị triệu chứng khó tiêu ở dạ dày;
  • Cụm hoa được sử dụng trong chế độ ăn kiêng ở người bệnh đái tháo đường vì chứa ít tinh bột và nhiều carbonhydrate inulin.

Atiso sử dụng trong điều trị có thể ở nhiều dạng khác nhau như cao mềm, cao khô, cao lỏng, viên bao, nước sắc và trà:

  • Sắc lấy nước: Dùng lá atiso khô hoặc tươi đem sắc hoặc nấu thành dạng cao lỏng (5 – 10%), dùng uống với liều lượng 2 – 10g mỗi ngày.
  • Nấu để ăn: Loại bỏ cánh hoa, đem bào phần lõi đến khi phần tim hoa có màu xanh lá sáng. Phần tim hoa lấy được đem chiên, nướng, hấp hoặc làm nước sốt… tạo thành món ăn theo sở thích.
  • Trà atiso: Nhiều loại trà túi bào chế từ atiso giúp tăng độ tiện lợi khi sử dụng, bạn chỉ cần ngâm túi trà vào nước nóng là có thể sử dụng được.

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà liều lượng atiso sử dụng là khác nhau, chẳng hạn như liều lượng dùng điều trị chứng ợ hơi, ợ nóng khoảng từ 320 – 640mg lá atiso mỗi ngày 3 lần. Liều lượng dùng điều trị tăng cholesterol máu khoảng từ 1.800 – 19.320mg chiết xuất atiso mỗi ngày 2 lần. Một số chế phẩm bào chế từ atiso chỉ giữ lại hoạt chất cynarin và liều lượng khi dùng dạng bào chế này khoảng từ 60 – 1500mg mỗi ngày.

atiso có tác dụng gì
Atiso có tác dụng gì là thắc mắc của nhiều người chưa hiểu về loài cây này

2. Tác hại khi lạm dụng atiso

Mặc dù atiso có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe và là dược liệu quý trong Y Học Cổ Truyền nhưng việc lạm dụng atiso cũng gây ra những ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe. Theo đó, sử dụng quá 2 lít trà atiso mỗi ngày sẽ gây ra những tác động không tốt với cơ thể.

2.1. Lạm dụng atiso gây suy thận và ảnh hưởng xấu đến gan

Giải nhiệt, lợi tiểu và an thần tạo cảm giác thoải mái cho người dùng là một trong những công dụng phổ biến của atiso. Tuy nhiên nếu sử dụng dược liệu này quá nhiều, liên tục trong thời gian dài sẽ làm cho cơ thể mất cân bằng điện giải, tăng đào thải các hoạt chất, giảm khả năng hấp thu vi chất cần thiết cho cơ thể như kali, canxi… tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chức năng và hoạt động của thận, làm tăng nguy cơ suy thận.

Mức độ nguy hiểm lớn nhất ở những người ngày nào cũng uống atiso, đặc biệt là uống thay nước lọc sẽ làm nhuận gan quá mức, gan tiết dịch quá mức nhu cầu cần thiết của cơ thể, dẫn đến mất cân bằng các chất và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về gan, trong đó nặng nhất là bệnh lý teo gan.

2.2. Lạm dụng atiso gây chướng bụng, khó tiêu

Sử dụng atiso quá nhiều và không có liều lượng sẽ gây tác động xấu đến hệ tiêu hóa, điển hình là chứng chướng bụng khó tiêu. Nguyên nhân được giải thích là do tác dụng co thắt túi mật và tiết mật, đẩy mật từ gan xuống ruột của atiso nên nếu dùng thường xuyên với liều lượng lớn có thể dẫn đến co thắt toàn bộ cơ trơn đường tiêu hóa và gây ra các triệu chứng chướng bụng, đầy hơi…

Theo Y Học Cổ Truyền, dược liệu atiso có tính lạnh nên sử dụng ở những người cơ địa tỳ vị hàn sẽ dẫn đến ăn uống khó tiêu và ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa.

lạm dụng artiso
Lạm dụng artiso có thể gây chướng bụng tác dụng xấu đến hệ tiêu hóa

2.3. Lạm dụng atiso gây chán ăn

Atiso là dược liệu chứa hàm lượng sắt cao. Sử dụng nhiều sẽ làm tăng hàm lượng sắt trong máu nhưng lại thiếu các khoáng chất vi lượng cần thiết khác như crom, kẽm, mangan… dẫn đến tình trạng chán ăn, mệt mỏi…

Theo khuyến cáo từ các bác sĩ Y Học Cổ Truyền, liều dùng atiso phù hợp ở người trưởng thành khoảng từ 10 – 20g dược liệu tươi sắc với nước và khoảng từ 5 – 10g dược liệu khô. Đối với atiso bào chế dạng túi trà nên sử từ 2 – 3 túi mỗi ngày. Thời gian sử dụng atiso để điều trị bệnh nên khoảng 10 ngày và cần nghỉ trước khi sử dụng đợt tiếp theo.

Bên cạnh những lợi ích và công dụng đối với sức khỏe cơ thể như thải trừ các chất độc trong gan, giảm nồng độ cholesterol máu, giải nhiệt, an thần… atiso cũng gây những tác động xấu đối với sức khỏe khi lạm dụng hay sử dụng trong thời gian dài như suy thận, ảnh hưởng xấu đến gan, chướng bụng, khó tiêu, chán ăn… Vì vậy để đảm bảo an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ và chỉ sử dụng dược liệu atiso khi có chỉ định của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.