Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Tìm hiểu về bệnh táo bón kinh niên dưới góc nhìn Đông y cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Bài viết bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân – Bác sĩ Y Học Cổ Truyền – Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec – Sao Phương Đông.
Táo bón kinh niên là gì? Là tình trạng phân tồn đọng trong đại tràng quá lâu, thời gian bài tiết kéo dài hoặc tình trạng phân khô táo, khó bài tiết. Sau khi đại tiện vẫn không có cảm giác thoải mái. Theo Y Học Cổ Truyền táo bón kinh niên thuộc phạm vi chứng “tiện bí”.
1. Theo Đông y táo bón kinh niên là gì?
Trong Y Học Cổ Truyền, chức năng đại tiện do phủ Đại trường (Đại tràng) quản lý. Đại trường là một trong lục phủ, hình ống, nằm trong ổ bụng. Đầu trên nối với tiểu tràng ở Manh tràng, đầu dưới chính là Hậu môn. Đại trường và phế có kinh mạch liên hệ với nhau vì thế có quan hệ biểu lý. Đại trường là cơ quan tiến hành hấp thu nốt phần nước còn lại trong bã thức ăn và sau đó thải chất cặn bã ra ngoài.
Chức năng sinh lý chủ yếu của đại tràng là chủ chuyển hóa cặn bã. Đại tràng tiếp thu các chất phế thải và thủy dịch sau khi được tiểu tràng tiết biệt thanh trọc chuyển xuống, lại hấp thu nốt thủy dịch còn lại tạo thành phân, chuyển xuống phần cuối của đại tràng và thải ra ngoài hậu môn. Vì thế sách “ Tố Vấn – Linh Lan bí điển luận” viết: “Đại tràng là cơ quan chuyển đạo và biến hóa”. Chuyển đạo có nghĩa là nhận ở trên chuyển xuống dưới. Biến hóa là đem chất cặn bã hóa thành phân. Nếu chức năng chuyển hóa cặn bã của đại trường không bình thường xuất hiện chứng tiêu chảy, tiết tả, đi ngoài lẫn máu, táo bón,…
Tác dụng biến hóa chuyển đạo của Đại trường là sự tiếp nối chức năng giáng trọc của Vị. Đồng thời có quan hệ hạ giáng của Phế khí. Ngoài ra, tác dụng chuyển đạo của Đại trường có quan hệ với chức năng khí hóa của Thận. Thận âm bất túc có thể khiến dịch ở đại trường khô cạn mà gây táo bón. Khi thận dương hư hao thì khí hóa không đủ hiệu quả gây nên dương hư táo bón hoặc dương hư tiết tả.
2. Nguyên nhân và cơ chế gây bệnh táo bón kinh niên
Nguyên nhân dẫn đến táo bón kinh niên là gì? Theo Y Học Cổ Truyền các nguyên nhân có thể gây táo bón kinh niên như:
- Khí huyết âm dịch hư tổn
Chức năng tạng phủ hư tổn hoặc do bị bệnh lâu ngày khiến cho khí huyết âm dịch hư tổn. Khí hư nên vô lực; huyết hư, âm khuy nên trường đạo không được nhu dưỡng, giảm khả năng truyền tống, dẫn tới đại tiện táo kết hoặc đại tiện khó khăn.
- Âm hư hàn trệ
Do dương khí suy khiến âm hàn nội sinh lưu tại trường vị. Dương khí hư không thúc đẩy được âm khí nên âm khí bị ngưng trệ, khiến cho sức truyền tống của Đại trường giảm gây nên chứng tiện bí.
- Khí cơ uất trệ
Tình chí bất toại hoặc tức giận nhiều gây thương can, làm cho can mất chức năng sơ tiết hoặc do ngồi nhiều ít vận động khiến khí cơ uất trệ hoặc do ưu tư nhiều gây thương tỳ, khiến cho tỳ không vận hóa được thủy thấp để nhu nhuận đại trường, trường đạo mất nhu dưỡng nên phân táo, đại tiện khó khăn.
- Do ăn uống
Ăn uống không điều độ hoặc ăn quá nhiều đồ ngọt béo mà sinh đàm, đàm tích tụ lâu ngày hóa nhiệt, đàm nhiệt nội trở làm ảnh hưởng chức năng thông giáng của khí cơ, khiến trường vị tích nhiệt, hao tổn tân dịch, trường đạo mất nhu dưỡng mà gây táo bón.
3. Triệu chứng của táo bón kinh niên là gì?
- Rối loạn tính chất phân: Phân trở nên cứng hoặc vón cục.
- Người bệnh có cảm giác phải dùng lực để đại tiện.
- Cảm giác sót phân sau đại tiện.
- Cảm giác tắc hậu môn.
- Trường hợp phân cứng hoặc vón cục, người bệnh phải dùng các phương pháp hoặc dụng cụ hỗ trợ để giúp đại tiện dễ dàng hơn.
- Thời gian đại tiện 2-3 ngày/lần trở lên.
- Có thể tổn thương hậu môn như rách hoặc nứt hậu môn do tình trạng táo bón nặng gây ra.
- Ngoài ra, người bệnh có thể có các triệu chứng như: Đau bụng, đầy bụng, chướng hơi, buồn nôn hoặc nôn, cảm giác mệt mỏi,…
4. Phân thể và phương pháp chữa táo bón kinh niên
- Thể trường vị tích nhiệt
Pháp điều trị: Thanh nhiệt, nhuận trường, thông tiện
Phương điều trị: Dùng bài Ma tử nhân hoàn gia giảm
- Thể khí trệ
Pháp điều trị: Hành khí đạo trệ
Phương điều trị: Dùng bài Lục ma thang gia giảm
- Thể khí hư
Pháp điều trị: Ích khí kiện tỳ, nhuận tràng thông tiện
Phương điều trị: Dùng bài Bổ trung ích khí thang hoặc bài Hoàng kỳ thang gia giảm
- Thể âm huyết hư suy
Pháp điều trị: Tư âm dưỡng huyết, nhuận tràng thông tiện
Phương điều trị: Dùng bài Ích khí nhuận tràng hoàn gia giảm
- Thể dương hư
Pháp điều trị: Ôn bổ tỳ thận, nhuận tràng thông tiện
Phương điều trị: Dùng bài Tế xuyên tiễn
5. Phòng bệnh táo bón kinh niên?
Ngoài việc dùng thuốc trị táo bón kinh niên, người bệnh cần uống đủ nước trong ngày, tăng cường ăn các loại rau và hoa quả. Nên sử dụng các loại thiện dược Y Học Cổ Truyền hàng ngày để giúp nhuận tràng như: vừng, mật ong,..
Không nên sử dụng rượu, các loại thức ăn ngọt béo, các loại thức ăn có vị cay, thơm nồng đậm, tránh làm tổn thương tỳ vị khiến tổn thương tỳ mà sinh thấp trệ gây táo bón kinh niên.
Người bệnh nên giữ tinh thần được thư thái, tránh căng thẳng, uất ức kéo dài, khiến khí cơ uất trệ mà gây táo bón kinh niên.
Cần luyện tập thể dục thể thao, khí công dưỡng sinh phù hợp với thể chất của từng người để giúp khí cơ vận hành thông sướng, từ đó dự phòng được tình trạng táo bón kinh niên.
Cần tạo ra thói quen đại tiện mỗi ngày và đại tiện vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày để tránh tình trạng táo bón kinh niên có thể xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.