Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Tìm hiểu về vị thuốc bạch giới tử cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn Đức – Bác sĩ Y Học Cổ Truyền – Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec – Sao Phương Đông
Bạch giới tử là tên gọi khác của hạt cây cải canh, tên khoa học Semen sinapis albae, thuộc họ Cải có danh pháp khoa học là Brassicaceae. Vị thuốc bạch giới tử là hạt già đã phơi khô của rau cải canh.
1. Đặc điểm hình thái của cây cải canh
Vị thuốc bạch giới tử là hạt của cây cải canh đã phơi khô hoặc sấy. Cải canh thuộc họ cây thân thảo sống lâu năm với các đặc điểm bao gồm:
- Lá đơn, có cuống, mọc so le với nhau. Phần phiến lá có hình trứng, gân lá nổi rõ, mép lá có răng cưa, không đều;
- Hoa cải canh thuộc loài hoa lưỡng tính, bao gồm 4 cánh hoa xếp thành hình chữ thập. Hoa cải cảnh mọc thành cụm, hoa có màu vàng, mỗi bông có từ 3 – 5 cánh. Bên trong hoa cải canh có 6 nhị, 4 nhị dài và 2 nhị ngắn;
- Quả cây cải canh có lông phủ, mỏ dài, bên trong có chứa khoảng 4 – 6 hạt nhỏ màu nâu vàng và có vân rất nhỏ;
- Hạt cây cải canh hay bạch giới tử có dạng hình cầu nhỏ, phần vỏ ngoài màu trắng tro hoặc hơi ngả vàng, một bên vỏ có đường vân hiện rõ hoặc mờ mờ. Khi dùng kính lúp để soi sẽ thấy bề mặt của hạt có vân lưới siêu nhỏ. Khi bẻ đôi, bên trong bạch giới tử có từng lớp nhân màu trắng hơi vàng và có chút dầu.
Cây cải canh được trồng khắp nơi bằng hạt, có thể thu hoạch vào mùa thu đông để ăn như một loại rau. Trong thời gian từ tháng 3 – 5, người ta có thể hái những quả già để lấy hạt phơi khô và làm thành vị thuốc bạch giới tử với yêu cầu hạt phải to, mập, có màu trắng.
Mặc dù mọc nhiều ở cả Việt Nam và Trung Quốc nhưng hiện nay ở nước ta cây cải canh chủ yếu được sử dụng để làm thức ăn. Vì vậy, bạch giới tử dược liệu đa số đều được nhập khẩu từ Trung Quốc.
2. Thu hái và sơ chế vị thuốc bạch giới tử
Như đã đề cập ở trên, những quả già của cây cải canh sẽ được thu hái vào tháng 3 – 5 hằng năm, sau đó lấy hạt và đem phơi khô. Bạch giới tử dược liệu có thể được thu hái theo những cách sau đây:
- Chọn những quả cải canh đã già, bên trong chứa rất nhiều hạt để thu hái. Sau đó đem phơi khô quả rồi đập dập để thu lấy hạt, sau đó phơi khô hạt thêm lần nữa;
- Thu hái những quả cải canh già để lấy hạt. Sau đó, cho những hạt tươi vào trong nước rửa sạch và vớt bỏ các hạt lép. Sau đó đem những hạt còn lại phơi khô để dùng dần.
Bước cuối cùng là cho những hạt khô đã lựa chọn kỹ vào chảo sao vàng trên bếp với lửa nhỏ đến khi bạch giới tử dược liệu chuyển sang màu nâu vàng sẫm và có mùi thơm. Bảo quản bằng cách cho vào lọ hoặc hộp kín có nắp đậy, để nơi thoáng mát để hạn chế ẩm mốc. Mỗi lần sử dụng sẽ trộn với nước và dùng đắp ngoài da.
3. Tác dụng dược lý của vị thuốc bạch giới tử
Theo Đông Y, vị thuốc bạch giới tử có những tác dụng sau:
- Công dụng: Hành trệ, tiêu thũng, trừ hàn, lợi khí, hóa đờm, chỉ thống, khai vị, ôn trung;
- Chủ trị: ho suyễn, đau bụng, hàn đờm ở ngực, đau nhức ở tứ chi, đinh nhọt thuộc âm, âm thư, loa lịch…
Theo các nghiên cứu của dược lý hiện đại, bạch giới tử có những tác dụng sau:
- Men Myroxin có trong bạch giới tử dược liệu sau khi thủy phân sẽ sinh ra tinh dầu, tinh dầu này có tác dụng kích thích niêm mạc khí quản, làm tăng tiết dịch, làm loãng đờm ứ trệ bên trong đường thở;
- Dung dịch pha trộn giữa nước và bạch giới tử theo tỷ lệ 1:3 có thể ức chế một số loại vi nấm gây bệnh ngoài da;
- Bạch giới tử có tác dụng kích thích da khiến da bị đỏ và bỏng rát.
4. Bài thuốc chữa bệnh với bạch giới tử dược liệu
Bạch giới tử dược liệu thường được dùng trong bài thuốc đặc trị bệnh lý viêm phế quản, hen suyễn, các bệnh mũi dị ứng…
4.1. Bài thuốc trị viêm phế quản mãn tính ở trẻ nhỏ với bạch giới tử dược liệu
Bài thuốc sử dụng 100g bạch giới tử ở dạng tán bột, mỗi lần dùng 1/3 bột bạch giới tử trộn thêm 90g bột mì trắng và nước để làm thành bánh, trước khi ngủ dùng bánh bạch giới tử để đắp lên lưng của trẻ, sáng hôm bỏ đi. Thực hiện lặp lại 2 – 3 lần sẽ thấy các triệu chứng viêm phế quản ở trẻ thuyên giảm dần.
4.2. Trị liệt thần kinh mặt ngoại biên bằng bạch giới tử dược liệu
Sử dụng 5 – 10g bạch giới tử đã tán bột, sau đó cho nước vào bột rồi gói vào miếng gạc đắp lên chỗ bị liệt, dùng băng keo dán cố định trong 5 – 10 giờ, thực hiện mỗi 10 ngày đắp 1 lần.
4.3. Trị đau các khớp do đàm trệ với bạch giới tử
Chuẩn bị các vị thuốc như sau: quế tâm, một dược, bạch giới tử, mộc hương; mỗi vị cần chuẩn bị 10g, mộc miết tử (hạt gấc) chuẩn bị 3g. Đem tất cả các dược liệu đã cân chuẩn rồi tán thành bột mịn, mỗi lần sử dụng 3g bột uống với rượu ấm, ngày 2 lần cho đến khi các khớp xương bớt triệu chứng đau nhức.
4.4. Trị nhọt sưng tấy mới phát với bạch giới tử
Bạch giới tử (tán bột) đem trộn với giấm sau đó đắp lên vùng da cần điều trị.
4.5. Bạch giới tử trị viêm phổi ở trẻ em
Bạch giới tử (tán bột) trộn với nước rồi đắp ở ngực trẻ.
4.6. Bạch giới tử trị ho suyễn, khó thở, đờm nhiều và loãng
Cần chuẩn bị 10g la bặc tử, 10g tô tử, 3g bạch giới tử rồi đem các vị thuốc này đem sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
4.7. Trị lao hạch lâm ba
Cần chuẩn bị hành củ và bạch giới tửdược liệu với lượng bằng nhau. Sau đó đem bạch giới tử đã tán bột và trộn đều với hành rồi giã nát, đắp 1 lần/ngày cho đến khi khỏi bệnh.
4.8. Trị chứng ợ chua và nôn mửa
Mỗi lần dùng 4 – 8g bạch giới tử (tán bột) uống với rượu.
4.9. Trị đầy tức do hàn đờm
Chuẩn bị các dược liệu như sau với lượng bằng nhau: quế tâm, cam toại, bạch giới tử, hồ tiêu, đại kích sau đó đem tán thành bột mịn, chế thành viên to bằng hạt ngô đồng, mỗi lần dùng 10 viên, uống thuốc cùng với nước gừng.
4.10. Phòng ngừa đậu mùa vào mắt
Bạch giới tử (tán bột) trộn với nước sau đó đem dán xuống lòng bàn chân để kéo độc xuống phía dưới.
4.11. Trị vị nhiệt, đờm, nóng nảy, bực bội trong người
Chuẩn bị các dược liệu sau với lượng bằng nhau: hắc giới tử, cam toại, chu sa, bạch giới tử, mang tiêu và đại kích sau đó đem các vị thuốc này tán thành bột rồi trộn hồ làm thành viên to bằng hạt ngô, mỗi lần dùng 10 viên cùng với nước gừng.
4.12. Bạch giới tử trị hơi lạnh từ bụng đi lên phổi
Chuẩn bị 1 chén bạch giới tử, đem sao qua, tán thành bột mịn, hòa bột với nước sôi nắn thành viên hoàn to cỡ hạt đậu xanh, mỗi lần dùng 10 viên với nước gừng.
4.13. Bạch giới tử trị ngực sườn có đờm ẩm
Chuẩn bị các vị thuốc sau đây theo liều lượng cụ thể: 80g bạch truật, 20g bạch giới tử, táo nhục sử dụng lượng vừa phải. Hai loại dược liệu đem tán thành bột mịn, nghiền táo nhục rồi trộn đều, nắn thành viên to như hạt ngô đồng, lần dùng 50 viên uống với nước.
4.14. Cải thiện sức khỏe và kéo dài tuổi thọ với bạch giới tử dược liệu
Cần dùng các vị thuốc sau với lượng 15g: mạch môn, xuyên bối mẫu, bạch quả, tô tử, tử uyển, bạch hợp và bạch giới tử; ngũ vị và trạch tả mỗi vị sử dụng 10g; đan bì và hoài sơn mỗi vị sử dụng 20g, sơn thù, thục địa và bạch linh mỗi vị sử dụng 30g rồi cho tất cả các vị thuốc nếu trên vào ấm để sắc lấy nước uống.
4.15. Bạch giới tử giúp tăng thải axit uric, giảm đau nhức, bổ gan thận, tiêu viêm
Chuẩn bị các vị thuốc sau đây với lượng 12g: sơn khương, tỳ giải, hỏa sâm, địa hoàng, cam thảo, bạch giới tử, bạch thược dược, cỏ xước, đỗ phụ, thổ phục linh và phòng phong, sau đó sắc uống mỗi ngày 1 thang.
4.16. Bài thuốc trị viêm mũi dị ứng do phong hàn
Chuẩn bị các dược liệu bao gồm phòng phong, bạch truật, bạch thược, lộc giác giao và ngũ vị tử mỗi vị 10g, chích ma hoàng và cam thảo mỗi vị 3g, bạch giới tử dược liệu và quế chi mỗi vị 6g, chích kỳ 10 – 15g, can khương 5g, tế tân 1 – 3g, sau đó đem các nguyên liệu sắc uống mỗi ngày.
5. Lưu ý khi dùng bạch giới tử dược liệu
- Vị thuốc bạch giới tử có tính ấm, thận trọng khi dùng cho người âm hư hỏa vượng;
- Không nên dùng bạch giới tử cho các trường hợp phù dương hư hỏa bốc lên hoặc phế kinh có nhiệt;
- Vị thuốc này có thể gây kích ứng ngoài da, do đó không nên dùng cho người có cơ địa, tiền sử dễ dị ứng;
- Nước sắc từ vị thuốc bạch giới tử có thể sinh ra hydroxide lưu huỳnh làm kích thích nhu động ruột, gây tiêu chảy, không sử dụng thuốc với liều lượng quá cao;
- Người sốt nóng (khí hư hữu nhiệt), yếu phổi ho khan và sức yếu không nên dùng bạch giới tử dược liệu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.