Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Uống thuốc Đông Y bao lâu thì có tác dụng? cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Khoảng thời gian để thuốc Đông Y phát huy tác dụng phụ thuộc vào loại bệnh mắc phải và thang thuốc được sử dụng. Nhìn chung, thuốc Đông Y không có tác dụng ngay lập tức như Tây Y mà cần một khoảng thời gian nhất định.
1. Uống thuốc Đông Y bao lâu thì có tác dụng?
Theo Y Học Cổ Truyền, uống thuốc Đông Y không mang lại hiệu quả tức thời như thuốc Tây Y mà cần một khoảng thời gian nhất định. Tác dụng của thuốc thay đổi khác nhau phụ thuộc vào cơ địa và thể trạng của mỗi người.
Do đó, người bệnh cần kiên trì sử dụng theo liệu trình mà bác sĩ đã đề ra. Bạn chỉ nên dừng thuốc và đi khám ngay nếu sau một thời gian sử dụng thuốc mà bệnh tình không thuyên giảm.
Để sử dụng thuốc Đông Y đạt hiệu quả cao thì người bệnh cần sắc thuốc đúng cách, tuân thủ liều lượng và thời gian điều trị,… theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý bốc thuốc để hạn chế nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
2. Làm thế nào để sử dụng thuốc Đông Y đạt hiệu quả cao?
Để thuốc Đông Y phát huy tác dụng nhanh chóng, người bệnh cần chú ý những điều sau:
- Sắc thuốc đúng cách: Thông thường, mỗi ngày chỉ uống 1 thang thuốc, sắc lại 2 lần với thuốc chữa bệnh, 3 – 4 lần với thuốc bổ, một số chỉ sắc 1 lần duy nhất. Thuốc sắc bao nhiêu lần trong ngày đều trộn chung vào nhau, chia đều các cỡ để uống, điều này giúp cân bằng hoạt chất có trong thuốc, nếu sắc lần nào uống lần đó thì các lần sắc về sau hoạt chất sẽ nhạt dần. Sắc thuốc cần dùng nước sạch, tùy theo lượng thuốc mà đổ nước sao cho vừa phải, thông thường thì đổ ngập thuốc chừng 2 đốt ngón tay với lần đầu, càng về sau đổ ít nước hơn một chút.
- Cách uống thuốc: Phải uống ngay khi thuốc vẫn còn ấm vì khi đó, nhiệt độ của thuốc và cơ thể phù hợp với nhau sẽ gia tăng tác dụng của thuốc, đồng thời tránh đầy bụng. Thông thường, thuốc Đông Y nên được uống vào lúc bụng nửa nói nửa no, uống sau ăn no có thể gây đầy bụng, đối với bệnh đường tiêu hóa thì cần uống lúc đói. Khoảng thời gian tốt nhất giữa các lần uống là 4 giờ với 3 lần uống/ ngày và trên 8 giờ với 2 lần uống/ngày.
- Siêu sắc đúng chuẩn: Bạn nên dùng ấm bằng đất nung hoặc sứ, không dùng ấm kim loại để sắc thuốc vì các vị thuốc có nhiều hoạt chất hữu cơ dễ bị phân hủy hoặc làm biến đổi bởi kim loại, thậm chí còn có nguy cơ gây ngộ độc.
- Không dùng thuốc quá liều: Sử dụng thuốc Đông Y quá liều kéo dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như ngộ độc, suy thận. Vậy nên, bạn cần tuân thủ chính xác liều dùng.
- Sử dụng thuốc đúng với thể bệnh: Theo Y Học Cổ Truyền, bệnh tật xảy ra do sự mất cân bằng âm dương, hàn nhiệt, hư thực trong cơ thể. Do đó, đã phân chia bệnh tật thành các thể hàn, nhiệt, hư, thực, mỗi thể bệnh có phương pháp điều trị khác nhau.
- Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn: Người bệnh cần đọc kỹ và tuân thủ tuyệt đối các chỉ dẫn của thầy thuốc vì mỗi loại thuốc được kê đơn đều có cách sử dụng riêng. Lưu ý, những thuốc được chỉ định bôi đắp ngoài mà dùng đường uống có thể gây ngộ độc nghiêm trọng dẫn đến tử vong.
- Không dùng thuốc Đông Y kéo dài: Sử dụng thuốc Đông Y kéo dài quá thời gian chỉ định có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng gan, thận. Trong đó, tiêu biểu là các loại thuốc đại giả thạch, chu sa, lục thần khúc. Thời gian điều trị thay đổi khác nhau ở mỗi loại thuốc và bệnh, điều bạn cần làm là tuân thủ nó.
- Không tự ý dùng cả thuốc Đông Y và Tây Y: Dùng kết hợp thuốc Đông Y và Tây Y có thể gây ra tác dụng phụ, đặc biệt khi sử dụng cả 2 loại thuốc cùng lúc sẽ dễ dẫn đến tình trạng công thuốc.
- Tuyệt đối không khám tại các cơ sở chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép: Khi đi khám, bạn cần lưu ý nên đến khám ở những cơ sở y tế đã được cấp phép hoạt động vì có đội ngũ y bác sĩ, trang thiết bị, chất lượng thuốc đúng theo quy định của Bộ Y Tế.
3. Kiêng gì khi uống thuốc Đông Y?
Trong quá trình sử dụng thuốc, cần tuân thủ những thứ cần kiêng kỵ như đau dạ dày cần kiêng chua, cay, nóng, đồ chiên xào; bệnh phong thấp cần kiêng đồ biển, đồ phong như tôm cua cá biển, thịt bò, măng, gà, cà mà chỉ nên ăn thịt heo, cá đồng, cá sông. Ngoài ra, cần phải kiêng các yếu tố làm mất chất lượng của thuốc như đậu xanh, giá, củ cải trắng, rau muống, khoai lang. Ngoài ra, còn có một số điều cần kiêng kỵ khác dựa trên tình trạng bệnh như:
- Đau bụng kèm tiêu chảy: Cần kiêng các loại thảo dược như mật ong, quả dâu, vừng đen, lô hội, thủ ô, trúc lịch (nước ép từ đọt tre), quả ngưu bàng, tri mẫu, thiên hoa phấn, chi tử (quả dành dành), sinh địa, tử thảo, sơn đậu căn, binh lang (hạt cau), hoàng dược tử, bá tử nhân, nhục thung dung, cùi hồ đào, tỏa dương, đương quy, thục địa, a giao, thiên đông, hoàng tinh, bách hợp, câu khởi tử, hạn liên thảo, trinh nữ tử, miết giáp (ba ba).
- Phụ nữ có thai kiêng dùng đan bì, thận trọng khi dùng thông thảo, hạt đông quỳ, gừng khô, quế chi, nguyên hoa, ba đậu, quả khiên ngưu, thương lục, thiên kim tử, cù mạch, phụ tử, hổ tượng, đào nhân, ngưu tất, xuyên sơn giáp, tê giác, ngưu bàng, xạ can, đại hoàng, mang tiêu, phan tả diệp, lô hội, mộc thông, chỉ thực, dương kim hoa, đại giả thạch, băng phiến, quy bản, xích thạch chi, cam toại, ba kích, ô đầu, bồ hoàng, nhu hương, một dược, tam lăng, nga truật
- Tì vị hư hàn: Cần thận trọng khi dùng sinh địa, hoàng bá, đại thạch diệp, thiên hoa phấn, thạch cao, tri mẫu, hoàng cầm, long đảm thảo, khổ sâm, huyền sâm, xuyên luyện tử, thanh đại, sơn đậu căn, từ thạch, lô hội, chỉ thực, hoàng dược tử, hạn liên thảo, quy bản (mai rùa), ba ba, mạch môn đông, thiên môn đông.
- Xuất huyết kiêng dùng tam thất (âm hư có nhiệt), bồ kết (khạc ra máu), lộc nhung (dương nhiệt), xuyên khung, nhục quế (huyết nhiệt), quế chi (nhiệt mạnh, nha đảm tử (xuất huyết dạ dày, ruột)
- Sốt do cảm hàn bên ngoài nên kiêng dùng ô mai, hoàng kỳ, đông trùng hạ thảo, ngũ bội tử, rễ ma hoàng, kha tử, địa cốt bì, ngân tử hồ, dương kim hoa, thạch môn đông, hạt ngũ vị.
- Hư nhược (gầy yếu) cẩn thận trong khi dùng dương kim hoa, minh phàn, ban miệu, cam toại, đại kích, thường sơn, đảm phàn, lê lô, nguyên hoa, ba đậu, thiên kim tử, uy linh tiên.
- Đầy bụng nên kiêng dùng mật ong, đại táo, thục địa, hoàng tinh, kha tử, sinh địa, hoài sơn, đường mạch nha, đương quy, cùi long nhãn.
- Ra mồ hôi trộm, bệnh động mạch vành, tim đập nhanh cần kiêng ma hoàng.
- Tăng huyết áp cần kiêng ma hoàng, thận trọng khi dùng dương kim hoa.
- Nôn cần kiêng hoàng liên (hư hàn), thương nhĩ tử, hoàng dược tử.
- Chán ăn kiêng hoàng cầm, chi tử, lô hội, a giao, ba ba, phòng kỷ, sơn đậu căn, huyền sâm.
- Huyết hư nên kiêng dùng ngân tử hồ, toàn hạt, cào bản, thương nhĩ tử.
- Nuôi con bằng sữa mẹ kiêng đại hoàng, mạch nha, phan tử diệp.
- Hành kinh nên cẩn thận với phan tử diệp, quế chi, đại hoàng.
- Rong kinh nên cẩn thận khi dùng nga truật, ngưu tất, đan bì, xuyên khung, tam lang.
- Thong manh mắt nên kiêng thục địa, dương kim hoa, thạch dương tử.
- Thũng nước do tỳ hư kiêng dùng chu sa, đại phong tử, nha đảm tử, hoàng dược tử.
- Khí hư nên kiêng dùng hạt cải củ, thanh bì.
- Da dễ bị dị ứng nên kiêng dùng hạt cải trắng.
- Viêm loét dạ dày thận trọng khi dùng viễn chí, tạo phân.
- Chứng thực, chứng nhiệt nên kiêng dùng nhân sâm.
- Bệnh thận nên kiêng dùng thu thạch.
4. Ngộ độc khi dùng thuốc Đông Y là do đâu?
Ngộ độc khi dùng thuốc Đông Y có thể xảy ra do các yếu tố sau:
- Bị dị ứng với thành phần của thuốc.
- Dùng quá liều khi dùng các thang thuốc có chứa độc dược như bán hạ, hoàng nàn, mã tiền, phụ tử.
- Trong quá trình chăm bón sử dụng quá nhiều chất hóa học độc hại, quá trình bảo quản, bào chế sai cách tạo điều kiện cho nấm mốc sinh sôi gây dị ứng.
- Nhầm lẫn dược liệu khi thu hái, mua bán và sử dụng có thể gây ngộ độc khi sử dụng.
- Không tuân thủ cách sắc, cách uống, liều lượng và thời gian điều trị.
- Phối quá nhiều loại thuốc, cả Tây Y và Đông Y gây tương tác thuốc, dẫn đến sản sinh các chất gây hại cho cơ thể.
Bạn hãy nhớ lưu ý những điều trên để có thể sử dụng thuốc Đông Y một cách hiệu quả nhất. Đừng quên theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.
Bài viết tham khảo: bvyhctnghean.vn, suckhoedoisong.vn, thanhnien.vn, bvydcthagiang.org.vn, ydctquangninh.vn
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.