Uống thuốc Đông Y có tác dụng phụ không?

Uống thuốc Đông Y có tác dụng phụ không?

Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Uống thuốc Đông Y có tác dụng phụ không? cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.

Việc sử dụng thuốc Đông Y có tác dụng phụ hay không phụ thuộc vào cách sử dụng thuốc và nhiều yếu tố khác. Nếu có ý định cắt thuốc về sử dụng thì bạn cần đi khám để được kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng gặp phải.

1. Thuốc Đông Y có tác dụng phụ không?

Thuốc Đông Y có nguồn gốc từ các loại thảo mộc tự nhiên, được sử dụng trong điều trị đa dạng các loại bệnh, do đó, nhiều người nghĩ là nó không gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, trên thực tế, tác dụng phụ của thuốc Đông Y vẫn có khả năng xảy ra khi không tuân thủ quy trình chế biến, bảo quản, liều dùng, bốc thuốc không đúng với tình trạng bệnh, sử dụng các vị thuốc không rõ xuất xứ,…

Mỗi thang thuốc sẽ có một lộ trình riêng, do đó, để hạn chế nguy cơ xảy ra tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Đông Y, bạn nên tuân thủ các khuyến cáo của bác sĩ và tái khám định kỳ để biết được mức độ tiến triển. Nếu chưa cải thiện thì cần dừng thuốc vài ngày để thuốc hấp thụ vào, nếu tốt rồi thì cần chuyển sang điều trị bằng toa thuốc mới.

Uống thuốc Đông Ycó tốt không phụ thuộc rất lớn vào chất lượng thảo dược, kinh nghiệm khám chữa bệnh của thầy thuốc, và khả năng tuân thủ điều trị của bạn. Nếu thuốc chất lượng kém có thể làm ẩm mốc, nhiễm khuẩn dễ gây ngộ độc cho cơ thể; thầy thuốc bốc thuốc không phù hợp với tình trạng bệnh có thể khiến tình trạng bệnh không tiến triển, thậm chí nặng lên; không tuân thủ điều trị có thể gây phá hủy mọi nỗ lực điều trị.

Thuốc Xilapak có thể gây ra các tác dụng phụ như mệt mỏi
Sử dụng thuốc Đông Y không đúng cách hoặc thuốc kém chất lượng có thể gây tác dụng phụ không mong muốn.

2. Nguyên nhân gây tác dụng phụ của thuốc Đông Y

Tác dụng phụ của thuốc Đông Y xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có các yếu tố chính sau đây:

  • Sai sót trong bào chế thuốc: Có nhiều loại thảo dược có chứa độc tính, việc bào chế cẩn thận có thể giúp làm giảm bớt các độc tính và làm tăng hiệu quả của thuốc. Ngược lại, nếu quá trình bào chế không đúng cách, độc tính không được loại bỏ thì có thể gây ngộ độc thuốc hoặc các tác dụng phụ khác. Một số loại thuốc có thể gây ngộ độc, nôn khi bào chế không đúng như bán hạ, phụ tử, rồi gây ngứa họng, ho, viêm họng khi không làm sạch các lông tơ của lá nhót (tỳ bà diệp).
  • Sai sót trong bảo quản dược liệu: Tác dụng phụ của thuốc Đông Y cũng có thể xảy ra do quá trình bảo quản thuốc không đạt tiêu chuẩn. Thông thường, dược liệu sẽ được cất vào hộp kín hoặc túi ni lông buộc chặt miệng và để nơi thoáng mát, khô ráo, những sai sót trong khâu bảo quản có thể khiến thuốc bị ẩm mốc và nhiễm khuẩn. Thậm chí, một số cơ sở sản xuất dược liệu đã cho thêm thuốc hóa học độc hại vào để bảo quản thuốc lâu hơn, điều này cũng có thể là nguyên nhân gây ra tác dụng phụ của thuốc Đông Y.
  • Thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ: Hiện nay, có nhiều loại thuốc Đông Y được bày bán khắp nơi, đa phần không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thuốc. Nhiều người còn pha trộn các thuốc kém chất lượng vào cùng, nếu không phải người có chuyên môn thì khó lòng phát hiện, điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dùng.
  • Thuốc Đông Y pha trộn tân dược: Thuốc Đông Y có tác dụng chậm nên nhiều người đã cố tình trộn với tân dược như thuốc giảm đau, kháng viêm, corticoid vào khâu bào chế, điều này gây tổn thương dạ dày, gan, thận,… khi sử dụng.
  • Bốc thuốc không đúng: Để tăng hiệu quả điều trị, các thầy thuốc thường phối hợp nhiều loại thảo dược khác nhau. Tuy nhiên, với những người thiếu kinh nghiệm, thiếu tập trung khi làm việc thì đều có nguy cơ phối sai các thảo dược và liều dùng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Ví dụ, trộn côn bố hoặc hải tảo kết hợp với chu sa có thể gây viêm đại tràng.
  • Người dùng tự bốc thuốc: Tự ý bốc thuốc mà không thông qua thăm khám của bác sĩ có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Việc tăng, giảm liều lượng các vị thuốc cần dựa vào mức độ bệnh, triệu chứng bệnh và tình trạng sức khỏe chung. Tuy nhiên, một số người ngại đi khám đã sử dụng đơn thuốc của người khác có cùng triệu chứng bệnh. Điều này có thể gây tác dụng phụ khi sử dụng.
  • Sử dụng thuốc kéo dài: Thuốc Đông Y dùng kéo dài có nguy cơ gây tác dụng phụ như gây ảnh hưởng đến chức năng gan, thận,… Ngay cả với thuốc bổ và các loại thực phẩm chức năng cũng như vậy.
  • Tồn dư thuốc trừ sâu, kim loại nặng trong dược liệu: Việc thu hái dược liệu ngay chỉ sau một vài tháng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật có thể khiến chất độc tồn dư gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, một số kim loại nặng như chì, thủy ngân từ đất có thể được cây thảo dược hấp thụ trong quá trình phát triển, chúng cũng có khả năng gây tác dụng phụ.
  • Dùng thuốc quá liều: Sử dụng thuốc quá liều lượng quy định có thể gây tác dụng phụ, ví dụ như thuốc mộc thông giúp lợi tiểu nếu dùng liều cao kéo dài có thể gây suy thận, thuốc tế tân, bạch quản, phụ tử, hạnh nhân, ô đầu khi dùng liều cao có thể gây ngộ độc.
  • Sai sót trong cách sử dụng thuốc: Các vị thuốc có độc tính cao thường chỉ dùng bôi đắp lên da, nếu dùng đường uống có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Ví dụ, mật cá trắm, lá vòi voi dùng để đắp ngoài được sử dụng để chữa bệnh khớp, nhưng dùng đường uống có thể gây suy thận cấp.

Ngoài các nguyên nhân gây tác dụng phụ của thuốc Đông Y nói trên thì còn nhiều yếu tố khác như sắc thuốc không đúng cách, dùng ấm sắc bằng kim loại, uống thuốc không đúng thời điểm,…

3. Làm gì để hạn chế nguy cơ gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc Đông Y?

Để hạn chế nguy cơ gặp phải tác dụng phụ do thuốc Đông Y thì bạn cần lưu ý các điều sau:

  • Cần thăm khám và sử dụng thuốc đúng liều lượng và liệu trình và một số lưu ý cần kiêng theo khuyến nghị của bác sĩ.
  • Tuân thủ các sắc thuốc, có những thang thuốc chỉ sắc 1 lần rồi đổ bỏ nhưng cũng có những thang thuốc phải sắc 3 – 4 lần liên tiếp.
  • Nên sử dụng siêu bằng đất nung hoặc bằng sứ để sắc thuốc, tránh dùng ấm kim loại vì có thể làm biến đổi hoạt chất có trong thuốc, gây độc cho cơ thể.
  • Tuân thủ thời gian uống thuốc, hầu hết thuốc Đông Y uống vào lúc nửa đói nửa no, uống ngay sau ăn có thể gây đầy bụng, ảnh hưởng đến tiêu hóa, đối với các bệnh đường ruột thì có thể uống vào lúc đói.
  • Nên chia đều thời gian uống thuốc để thuốc phát huy tác dụng trong suốt cả ngày.

Bài viết tham khảo: dieutri.vn, suckhoedoisong.vn, thuocdantoc.org, syt.bacgiang.gov.vn, ydctquangninh.vn

Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.