Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Xuyên tâm liên liều dùng thế nào? cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Theo Y học cổ truyền, cây xuyên tâm liên có vị đắng, tính hàn có công dụng tiêu thũng chỉ thống, hoạt huyết và thanh nhiệt giải độc. Do vậy thuốc thường được dùng để điều trị các căn bệnh như: viêm nhiễm đường hô hấp do vi khuẩn, virus, viêm phế quản, viêm da, lở ngứa, rôm sảy, mụn nhọt… Để sử dụng hiệu quả hơn, hãy cùng tìm hiểu về liều dùng thuốc xuyên tâm liên qua bài viết dưới đây.
1. Đặc điểm của cây xuyên tâm liên
Xuyên tâm liên còn có tên gọi khác là cây công cộng, cây lá đắng, lam khái liên, khô đởm thảo, nhất kiến kỷ…và tên khoa học là Andrographis.
Đặc điểm sinh thái của cây xuyên tâm liên như sau:
- Là cây thân thảo, cao tầm 30 – 80cm, có nhiều đốt, nhiều cành lá mọc đối;
- Cuống ngắn, lá hình trứng thuôn dài hay hình mác với 2 đầu nhọn;
- Lá dài từ 3 – 12cm, rộng 3,5cm;
- Hoa màu trắng mọc thành chùm ở đầu cành hoặc nách lá;
- Quả dài 15mm, rộng 3,5mm, hơi nhẵn;
- Hạt xuyên tâm liên có hình trụ.
Cây xuyên tâm liên mọc hoang ở nhiều khu phía Bắc nước ta. Loại cây thuốc này có thể thu hoạch quanh năm. Cụ thể: rễ thường hái vào mùa đông, lá và thân thu hoạch vào mùa hè. Xét đến lợi ích sử dụng, có thể dùng toàn bộ cây (bao gồm cả lá, thân và rễ). Nhiều người thích dùng lá vì có nhiều hoạt chất chính ở trong lá.
Thành phần hóa học: Xuyên tâm liên có nhiều thành phần hóa học khác nhau, trong đó có hoạt chất chính là flavonoid và diterpen lacton.
2. Công dụng của xuyên tâm liên
2.1. Tác dụng dược lý theo y học cổ truyền
Theo các ghi chép cổ của Trung Quốc, xuyên tâm liên có công dụng thanh nhiệt thải độc, điều trị hiệu quả các bệnh đường hô hấp (viêm họng, viêm phổi, amiđan), viêm tiết niệu, viêm da, mụn nhọt, dạ dày… Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu dược học Đỗ Tất Lợi còn cho rằng cây thuốc dân gian này có thể chữa đau nhức xương khớp, phong tê thấp, trị rắn cắn, làm thuốc bổ cho phụ nữ sau sinh, người bị bế kinh nguyệt, đau bụng kinh, viêm nhiễm phụ khoa.
Trong thời bao cấp ở nước ta, xuyên tâm liên là loại dược liệu đắc lực với nhiều công dụng khác nhau. Trong đó nổi bật là khả năng kháng vi khuẩn, virus và nấm, kích thích khả năng chống viêm, chống oxy hóa, ung thư. Các nghiên cứu y khoa cũng cho thấy xuyên tâm liên có khả năng rút ngắn thời gian nhiễm trùng dù dùng riêng lẻ hay phối hợp với các loại thuốc khác. Nó đồng thời còn làm giảm các triệu chứng viêm khớp.
Vì vậy mà xuyên tâm liên được dùng rộng rãi trong điều trị viêm, sốt, tiêu chảy cấp, thủy đậu, bệnh gan, tăng huyết áp, sốt rét, tiểu đường, ung thư… Chiết xuất của loài cây này đã có mặt trong nhiều loại thuốc khác nhau.
2.2. Tác dụng dược lý theo y học hiện đại
Một số nghiên cứu y học hiện đại đã công bố các tác dụng có lợi của xuyên tâm liên đối với sức khỏe. Một số thử nghiệm của Burgos và các cộng sự của ông cho rằng xuyên tâm liên giúp giảm nhanh các triệu chứng của bệnh cảm cúm như: sổ mũi, mệt mỏi, sốt, đau họng và nhức đầu.
Một nghiên cứu khác của Thụy Điển cũng chứng minh xuyên tâm liên mang lại công dụng trị liệu tốt đối với các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp do vi khuẩn, virus gây ra. Ngoài những tác dụng này, các thầy thuốc ở Bắc Mỹ và Châu Âu còn sử dụng xuyên tâm liên cho các mục đích như:
- Giảm đau nhức xương khớp;
- Ngăn ngừa các tình trạng viêm nhiễm khác;
- Chữa viêm da;
- Trị long đờm;
- Điều trị nhuận tràng;
- Thuốc chống đông máu, giúp phá huyết khối;
- Điều trị viêm gan C;
- Bảo vệ gan, lợi mật;
- Chữa bệnh Herpes;
- Phòng ngừa ung thư hóa do hóa chất thực nghiệm.
3. Cách dùng và liều dùng xuyên tâm liên thế nào?
3.1. Cách dùng xuyên tâm liên
Xuyên tâm liên được dùng dưới dạng thuốc bột hoặc thuốc sắc. Liều dùng sẽ khác biệt tùy vào từng loại bệnh, cơ địa của từng người, độ tuổi và tình trạng sức khỏe. Ví dụ như:
- Liều dùng thuốc xuyên tâm liên để chữa sốt, cảm cúm, đau họng là 60mg. Hoặc cũng có thể là 10mg/kg;
- Liều dùng thuốc xuyên tâm liên cho trẻ em bị nhiễm trùng hô hấp là 30mg/ngày. Dùng trong 10 ngày.
Để rõ hơn về liều dùng thuốc xuyên tâm liên, hãy cùng tham khảo một số bài thuốc chữa bệnh dân gian dưới đây.
3.2. Một số bài thuốc chữa bệnh xuyên tâm liên
- Thanh nhiệt, giải độc cơ thể: Dùng 30g xuyên tâm liên khô đun nước uống hàng ngày;
- Trị viêm gan B: Dùng 15g xuyên tâm liên sắc chung với 1 lít nước và các vị thuốc khác như 25g xạ đen, 25g cà gai leo. Sắc chung uống liên tục trong 3 tháng.
- Trị viêm nhiễm ngoài da, mụn nhọt: Dùng lá xuyên tâm liên tươi đem rửa sạch, giã nát và đắp lên vùng da bị viêm nhiễm, mụn nhọt. Đắp hỗn hợp thường xuyên cho đến khi triệu chứng giảm dần. Đặc biệt xuyên tâm liên đun nước tắm còn chữa được các bệnh lý ngoài da như: viêm da cơ địa, thủy đậu, Herpes. Để tăng hiệu quả người ta thường phối hợp với cây Chân vịt hay lá Canh châu.
- Trị lở ngứa, mụn nhọt, rôm sảy: Giã 1 nắm lá xuyên tâm liên nát với rượu, dùng để xoa đắp tại chỗ. Có thể kết hợp với uống thuốc sắc: Kim ngân hoa, bèo cái, sài đất, lá trắc bá, lá tre, mỗi thứ một nắm nhỏ đem sắc đặc uống ngày 1 tháng, chia 2 – 3 lần dùng cho đến khi khỏi.
- Chữa viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang mãn tính, ho: Lấy 15g xuyên tâm liên, 10g củ bách hộ, 10g kim ngân hoa, 10g củ mạch môn đem sắc với 1 lít nước và uống trong ngày. Dùng liên tục 1 tuần để đạt được hiệu quả tốt.
- Chữa ho do lạnh: Dùng 12g xuyên tâm liên, 10g tang bạch bì, 10g địa cốt bì, 8g cam thảo đem sắc uống. Dùng trong 5 – 7 ngày.
- Chữa viêm nhiễm đường tiêu hóa, bệnh kiết lị: Dùng 20g xuyên tâm liên sắc chung với 10g khổ sâm và uống hàng ngày.
- Trị rắn độc cắn: Giã nát lá cây xuyên tâm liên đắp lên miệng vết rắn cắn. Đồng thời dùng 30g thân cây đem nấu nước uống.
- Trị tiểu buốt, tiểu dắt: Giã nát hoặc xay nhuyễn 15 lá xuyên tâm liên tươi. Lọc lấy nước và thêm chút mật ong vào uống.
- Trị ứ huyết sau sinh, đau nhức tê thấp, bế kinh, mọc mụn 2 bên cổ: Dùng 10 – 20g xuyên tâm liên sắc uống ngày 2 lần.
- Rượu bổ (dùng khi yếu mệt): Lấy rễ cây xuyên tâm liên phơi khô, 30g lô hội, rượu 40 độ vừa đủ 1 lít. Ngày uống 4-16g rượu.
Nhìn chung, thuốc xuyên tâm liên có rất nhiều ứng dụng trong điều trị bệnh. Tuy nhiên người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ, thầy thuốc trước khi dùng thuốc.
4. Các lưu ý khi sử dụng thuốc xuyên tâm liên
Bên cạnh những lợi ích, xuyên tâm liên vẫn có thể gây ra một số ảnh hưởng đến sức khỏe (đau dạ dày, buồn nôn hoặc nôn mửa, hạ huyết áp, vô sinh,…). Do vậy, để đảm bảo an toàn thì không nên dùng thuốc xuyên tâm liên cho những đối tượng sau:
- Phụ nữ đang mang thai;
- Phụ nữ cho con bú;
- Người có tỳ vị hư hàn;
- Người mắc các bệnh liên quan đến sinh sản, nhất là người khó có con;
- Người mắc chứng máu khó đông, người bị chấn thương chảy máu, mới phẫu thuật;
- Bệnh nhân bị tụt huyết áp.
Ngoài ra để đảm bảo an toàn, không nên dùng xuyên tâm liên đồng thời với các loại thuốc sau:
- Thuốc chống đông máu;
- Thuốc kháng tiểu cầu;
- Thuốc ức chế miễn dịch
Trên đây là tất cả những thông tin về đặc điểm, công dụng cũng như cách dùng, liều dùng thuốc xuyên tâm liên. Loại cây dân gian này có tác dụng chữa bệnh đa dạng nhưng để dự phòng tác dụng không mong muốn, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ, thầy thuốc trước khi sử dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.