Cây sa kê có tác dụng gì?

Cây sa kê có tác dụng gì?

Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây sa kê có tác dụng gì? cung cấp tại Đông Y Trường Xuân mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.

Cây sa kê được trồng nhiều ở nước ta, vừa làm cảnh, vừa lấy trái làm nguyên liệu chế biến nhiều món ăn ngon. Tuy nhiên, trong Đông y, cây sa kê còn là vị thuốc. Vậy sa kê chữa bệnh gì?

1. Đặc điểm của cây sa kê

Cây sa kê hay còn được gọi là cây bánh mì, tên tiếng Anh là breadfruit, tên khoa học là Artocarpus incisa L, thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Ban đầu, cây sa kê được tìm thấy ở Malaysia và các đảo khu vực Thái Bình Dương, nhưng ngày nay, sa kê được trồng nhiều ở nước ta, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.

Cây sa kê là loài cây gỗ lớn, cao trung bình từ 15-20m. Nhựa mủ của cây sa kê có màu trắng sữa, cành mảnh thường mọc ngang và tạo thành tán rộng và dày. Cây sa kê có những đặc điểm thực vật như sau:

  • Lá: Sa kê có lá lớn, chia thành 3 – 9 thùy lông chim thuôn dài, phiến lá rộng từ 10 – 12cm, dài từ 30 – 50cm, có phần cuống mập. Mặt trên của lá có màu xanh bóng, mặt dưới nhám, lá chuyển sang màu vàng nâu và khô khi già và rụng đi.
  • Hoa: Hoa của cây sa kê mọc thành từng cụm, đó là cụm hoa đực và cái, cụm hoa đực giống hình chùy hoặc hình đuôi sóc, mỗi cụm hoa đực chỉ có một nhị, còn cụm hoa cái thì có hình cầu hoặc hình ống.
  • Quả: Quả của cây sa kê là quả kép, quả to, đường kính từ 12 – 20 cm, có hình trứng hoặc tròn. Phần vỏ có màu xanh lá nhạt hoặc vàng nhạt, còn phần thịt có màu trắng và chứa nhiều bột, bên trong không có hạt. Thông tường, 2 – 3 quả của cây sa kê sẽ mọc gần nhau thành từng chùm.

Hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng thấy cây sa kê được trồng ở bất kỳ đâu, vì đây là loại cây xanh đẹp, cho bóng mát và quả.

cây sa kê
Hình ảnh thực tế của cây sa kê

2. Cây sa kê có tác dụng gì?

Chiếm phần lớn trong quả sa kê là nước (khoảng 70%) và carbohydrate (khoảng 25%), còn lại là các chất khoáng như kali, kẽm và vitamin. Trong cả Tây y và Đông y, cây sa kê được xem là một vị thuốc, mỗi bộ phận của cây từ lá, vỏ, rễ và nhựa cây đều có tác dụng cụ thể như:

  • Lá: Lợi tiểu, tiêu độc, tiêu viêm, trị mụn nhọt, chữa vàng da do viêm gan, phù thũng. Ngoài ra, tro của lá sa kê cũng được dùng để chữa bệnh nhiễm trùng trên da.
  • Rễ: Sát khuẩn, trị ho, hen, đau răng, rối loạn dạ dày, các bệnh trên da.
  • Vỏ: Trị ghẻ lở.
  • Nhựa: Chữa tiêu chảy, bệnh lỵ. Nhựa cây sa kê chữa viêm da, bệnh chàm eczema và vẩy nến.

Ngoài ra, bộ phận được dùng nhiều nhất của cây sa kê là quả, với những tác dụng mà không phải ai cũng biết, đó là:

  • Kích thích các tế bào mới phát triển, làm đẹp da: Quả sa kê có chứa lượng lớn các hoạt chất chống oxy hóa, có tác dụng kích thích các tế bào mới sản sinh và phát triển, đồng thời loại bỏ những tế bào da cũ bị tổn thương để giúp da đẹp hơn. Ngoài ra, chất chống oxy hóa còn có tác dụng bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời.
  • Giảm viêm da, điều trị các bệnh về da và sản sinh collagen: Đem chiết xuất quả của cây sa kê lúc còn tươi sẽ thu được tinh chất có tác dụng giảm viêm, ức chế khả năng hoạt động của những enzym làm viêm da, đồng thời ngăn chặn quá trình sản xuất oxit nitric, giúp ngăn ngừa viêm da hiệu quả. Ép nước quả sa kê để uống cung cấp cho cơ thể lượng vitamin C dồi dào để kích thích sản sinh collagen, làm tăng tính đàn hồi của da.
  • Tốt cho tóc: Các chất dinh dưỡng có trong quả của cây sa kê là cần thiết để giúp tóc khỏe mạnh, chẳng hạn như vitamin C giúp tóc hấp thu được nhiều khoáng chất hơn, omega-3 và omega-6 giúp giảm gãy và rụng tóc, axit béo giúp cân bằng tiết nhờn, giảm gàu ngứa ở da đầu.
  • Tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch, chống nhiễm trùng: Các hoạt chất oxy dồi dào trong quả sa kê giúp tăng cường hệ miễn dịch để bảo vệ cơ thể, ngăn không cho các tác nhân xâm nhập và gây bệnh, đồng thời giúp loại bỏ các gốc tự do gây hại.
  • Tăng cường sức khỏe tim mạch: Quả của cây sa kê có chứa kali, đây là khoáng chất cần thiết cho tim mạch vì giúp hạ huyết áp, điều hòa nhịp tim. Lượng lớn chất xơ trong quả sa kê cũng có khả năng giảm cholesterol xấu gây hại cho tim mạch.
  • Tăng cường sức khỏe của hệ tiêu hóa: Quả sa kê cung cấp nhiều chất xơ, giúp thải độc ở ruột và tốt cho nhu động ruột cũng như hệ tiêu hóa. Các món ăn từ quả sa kê có thể chữa các bệnh tiêu hóa thường gặp như viêm loét dạ dày, ợ chua, ợ nóng. Ngoài ra, quả sa kê còn có khả năng bảo vệ màng nhầy của ruột kết trước những loại hóa chất gây bệnh ung thư như ung thư đại tràng.
  • Kiểm soát bệnh tiểu đường: Lượng chất xơ dồi dào trong quả của cây sa kê giúp cơ thể ức chế quá trình hấp thu glucose để kiểm soát bệnh tiểu đường hiệu quả, đồng thời những hợp chất có khả năng hỗ trợ tuyến tụy sản xuất insulin.
  • Là nguồn cung cấp năng lượng dồi dào: Quả sa kê là nguồn thực phẩm cung cấp năng lượng dồi dào cho cơ thể, đặc biệt là những người thường xuyên vận động như các vận động viên, vì 1 chén sa kê có khả năng cung cấp 60g carbohydrate.

Ngoài những tác dụng kể trên, hiện nay, các nhà khoa học còn tìm thấy hạt cây sa kê có chứa 3 loại lectin có đặc tính kháng u hiệu quả và giúp phát hiện dấu ấn sinh học của khối u.

cây sa kê
Cây sa kê được ứng dụng trong Y Học Cổ Truyền

3. Các bài thuốc từ cây sa kê

Trong Đông y, cây sa kê là thành phần của nhiều bài thuốc chữa bệnh như sau:

  • Hỗ trợ điều trị bệnh cao huyết áp: Nấu lấy nước uống hàng ngày lá cây sa kê vàng (2 lá), 50g rau ngót tươi và 20g lá chè xanh tươi.
  • Chữa sỏi thận, bệnh gút: Nấu lấy nước uống hàng ngày 100g lá sa kê tươi, 100g dưa leo, 50g cỏ xước khô.
  • Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường: Nấu lấy nước uống 100g lá sa kê già, 100g đậu bắp tươi, 50g lá ổi non. Uống trong 15 ngày.
  • Chữa viêm gan: Sắc lấy nước uống hàng ngày 100g lá sa kê, 50g mỗi loại gồm diệp hạ châu, cỏ mực khô và củ móp gai tươi.
  • Chữa mụn, nhọt: Có nhiều cách để chữa mụn nhọt từ cây sa kê như trộn tro lá sa kê với dầu dừa và nghệ tươi giã nát để đắp lên mụn rộp, hoặc giã nát lá sa kê và lá đu đủ tươi rồi trộn với vôi ăn trầu để đắp lên chỗ da bị mụn.

4. Các món ăn từ quả của cây sa kê

Ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, quả sa kê đã được sử dụng như một nguyên liệu chế biến nhiều món ăn khác. Người Pháp thường nướng quả sa kê bằng than hoặc lụi trong tro để ăn. Trong khi người Ấn Độ thì cắt quả sa kê thành từng lát mỏng rồi dùng bơ hoặc mỡ để chiên. Sa kê cũng là một nguyên liệu trong món cà ri nổi tiếng của người Ấn Độ và họ xem sa kê là một món ăn cao cấp.

Người dân ở một số nước khác thì cho lên men quả của cây sa kê để tạo thành một món ăn tương tự như pho mát, cho giá trị dinh dưỡng cao. Nhiều loại bánh ngọt cũng được chế biến từ bột quả sa kê. Quả sa kê tươi cũng có thể được nấu với tôm, cá hoặc luộc, hấp, cắt lát mang đi phơi khô rồi nấu với gạo như khoai, sắn, …

cây sa kê
Quả của cây sa kê còn được sử dụng như một món ăn

5. Những lưu ý khi dùng cây sa kê

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe nhưng những nhóm đối tượng sau đây cần thận trọng khi sử dụng sa kê, dù làm thức ăn hay vị thuốc.

  • Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con cho bú không nên dùng sa kê để an toàn cho sức khỏe của người mẹ và thai nhi vì cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào sử dụng quả của cây sa kê để làm thuốc cho nhóm đối tượng này.
  • Người bị rối loạn đông máu không nên dùng quả sa kê vì có thể làm tăng nguy cơ bị chảy máu.
  • Người bị dị ứng với quả sung hoặc chuối không nên dùng sa kê vì cũng có thể gặp tình trạng tương tự.
  • Người bị huyết áp thấp cũng không được dùng quả sa kê vì có thể làm tụt huyết áp xuống thấp rất nguy hiểm.

Chúng ta có thể thấy cây sa kê được trồng ở bất kỳ đâu, từ đường phố, sân nhà hay trường học nhưng cây sa kê có tác dụng gì không phải ai cũng biết. Quả sa kê vừa là nguyên liệu chế biến món ăn, vừa là vị thuốc có ích cho da, tóc, tim mạch và người bị tiểu đường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.