Sorbitol là gì? Công dụng đối với sức khỏe và liều dùng phù hợp

Sorbitol là gì? Công dụng đối với sức khỏe và liều dùng phù hợp

Bạn có biết rằng sorbitol là một chất tạo ngọt thay thế đường trong các sản phẩm bánh kẹo và đồ uống? Đặc biệt, sorbitol còn có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, đặc biệt là với những người tiểu đường. Hôm nay, chúng ta hãy cùng Đông Y Trường Xuân tìm hiểu về sorbitol là gì, công dụng, cách sử dụng và liều dùng phù hợp nhé!

Sorbitol là gì?

Sorbitol (hay glucitol) là một loại rượu đường có vị ngọt. Hợp chất này có thể được sản xuất từ tinh bột khoai tây hoặc chiết xuất từ trái cây như táo, đào, mơ, lê,… Ngoài ra, sorbitol cũng được sản xuất chủ yếu bằng cách hydro hóa glucose trong công nghiệp.

Sorbitol là gì? Công dụng đối với sức khỏe và liều dùng phù hợp

Lợi ích của sorbitol

Có lượng calo thấp, có thể thay thế cho đường

Sorbitol có lượng calo thấp hơn so với đường. Trong 1 gram sorbitol chỉ chứa 2.6 calo, trong khi 1 gram đường có chứa 4 calo. Do đó, trong sản xuất bánh kẹo và đồ uống, sorbitol được sử dụng để thay thế đường truyền thống, giúp giảm hàm lượng calo. Nhờ tốc độ hấp thụ chậm, sorbitol cũng được sử dụng như chất tạo ngọt dành cho bệnh nhân tiểu đường.

Sorbitol được sử dụng rộng rãi trong đời sống hằng ngày, đặc biệt là trong y học

Làm giảm nguy cơ hình thành sâu răng

Sorbitol có khả năng chống lại sự trao đổi chất của vi khuẩn đường miệng, loại vi khuẩn phân hủy tinh bột và đường để giải phóng axit gây sâu răng. Do đó, sử dụng sorbitol có thể giảm nguy cơ hình thành sâu răng.

Làm thuốc nhuận tràng

Sorbitol thuộc nhóm thuốc nhuận tràng, thúc đẩy nhu động ruột thông qua tăng tiết cholecystokinin – pancreazymin. Vì vậy, sorbitol được sử dụng để điều trị táo bón, rối loạn tiêu hóa và khó tiêu.

Công dụng khác

Sorbitol còn được sử dụng làm tá dược tạo ngọt trong một số chất hóa dẻo hoặc viên nhai, cung cấp năng lượng thay thế glucose, tạo hương mỹ phẩm, giữ ẩm kem đánh răng,…

Cách dùng sorbitol an toàn

Cách dùng

Để sử dụng sorbitol một cách an toàn và tránh tác dụng phụ không mong muốn, hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Mỗi dạng bào chế của sorbitol sẽ có cách sử dụng khác nhau:

  • Thuốc bột uống: Pha 1 gói thuốc sorbitol (5g) vào khoảng 1/2 cốc nước (70 – 120ml) và uống ngay sau khi pha.
  • Gel thụt trực tràng: Mở nắp tuýp thuốc, đưa đầu tuýp vào trực tràng và bóp thuốc vào bên trong. Khi rút tuýp thuốc ra, nếu chưa bóp hết thuốc, thực hiện lại thao tác này. Đặc biệt, khi sử dụng thuốc dạng gel này, nằm để phần hậu môn nâng cao lên để hạn chế thuốc chảy ra ngoài.
  • Thuốc dạng dung dịch: Pha loãng với nước lọc tỉ lệ 1:1, sau đó uống ngay sau khi pha.

Để dùng sorbitol an toàn hãy đọc kỹ hướng dẫn khi sử dụng trước khi dùng

Liều dùng

Liều dùng sorbitol có thể khác nhau tùy thuộc vào từng dạng bào chế và mục đích sử dụng. Bạn nên đọc kỹ hướng dẫn của thuốc và tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc bác sĩ trước khi sử dụng. Dưới đây là một số liều dùng tham khảo:

  • Trị khó tiêu: Uống 1 – 3 gói sorbitol (5g) mỗi ngày, uống trước bữa ăn hoặc khi có dấu hiệu khó tiêu.
  • Trị táo bón: Uống 1 gói sorbitol (5g) vào buổi sáng trước bữa ăn.
  • Trị táo bón do vùng trực tràng hậu môn: Dùng 1 tuýp thuốc sorbitol 50% mỗi ngày, dùng trước thời điểm đi đại tiện khoảng 5 – 20 phút.

Đối với người bị bệnh kết tràng, cần giảm liều dùng sorbitol. Đặc biệt, trẻ em dưới 12 tuổi nên sử dụng liều lượng bằng một nửa người lớn. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng sorbitol cho trẻ.

Tác dụng phụ khi sử dụng sorbitol

Dùng quá nhiều sorbitol có thể gây đầy hơi, tiêu chảy, mất nước, khô miệng,… Ngoài ra, còn có một số tác dụng phụ khác ít gặp như buồn nôn, đau quặn bụng, co thắt dạ dày và kích ứng vùng hậu môn. Nếu bạn gặp các tác dụng phụ này và chúng kéo dài hoặc trở nặng, hãy báo ngay cho bác sĩ.

Tác dụng phụ khi sử dụng sorbitol

Hiếm khi xảy ra, nhưng có thể có các triệu chứng dị ứng với sorbitol như chóng mặt, khó thở, phát ban, ngứa, sưng (mặt, lưỡi, cổ họng). Nếu bạn có dị ứng với thuốc, hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị.

Tương tác khi sử dụng sorbitol

Sorbitol ít có khả năng gây tương tác nghiêm trọng với các thuốc khác, nhưng bạn nên lưu ý khi sử dụng sorbitol cùng với một số loại thuốc. Đặc biệt, cần lưu ý khi sử dụng sorbitol cùng với:

  • Natri polystyren sulfonat: Sự phối hợp này có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ của sorbitol và thậm chí hoại tử đại tràng.
  • Deflazacort: Sorbitol tương tác với deflazacort có thể làm giảm kali huyết thanh.
  • Dichlorphenamide: Làm tăng độc tính của sorbitol và có khả năng gây nhiễm toan chuyển hóa.
  • Lamivudine: Sorbitol sẽ làm giảm tác dụng của lamivudine khi sử dụng đồng thời.

Ngoài ra, khi sử dụng sorbitol, bạn cần lưu ý nếu phối hợp với các thuốc làm mềm phân hoặc thuốc nhuận tràng khác, vì điều này có thể gây mất nước, tăng triệu chứng tiêu chảy, mất cân bằng điện giải,…

Sorbitol ít có khả năng gây tương tác nghiêm trọng với các thuốc khác, nhưng vẫn có nguy cơ xảy ra

Nếu bạn đang quan tâm đến sorbitol, hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn có thêm kiến thức hữu ích. Đừng quên ghé thăm trang web Đông Y Trường Xuân để tìm hiểu thêm thông tin thú vị. Cảm ơn vì đã đồng hành cùng chúng tôi!